Cần thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập
Về việc thành lập tổ chức phòng chống tham nhũng, đại biểu Mã Điền Cư (tỉnh Quảng Ngãi) nhất trí với đề nghị thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Cũng theo đại biểu này: "Quốc hội cần phải lập ủy ban độc lập về công tác phòng chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền điều tra bất cứ vấn đề gì liên quan đến tệ nạn tham nhũng trong các cơ quan nhà nước. Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Người đứng đầu do Quốc hội phê chuẩn”.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Xuân Thường (tỉnh Thái Bình) lại cho rằng: "Cần lập đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc cả Bộ Quốc phòng. Cơ quan phòng chống tham nhũng thuộc Quốc hội là không hợp lý vì đấu tranh chống tham nhũng trước nhất là của Chính phủ…
Quốc hội là cơ quan lập pháp nên điều này không hợp lý. Ở nhiều nước, có cơ quan tiến hành điều tra phòng chống tham nhũng độc lập với Chính phủ và nằm dưới sự điều hành của Tổng thống".
Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, “nên chăng thành lập cơ quan điều tra phòng chống tham nhũng trực thuộc Chủ tịch nước”.
Còn đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên) đề nghị thành lập một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập của nhà nước đủ mạnh nằm dưới sự điều hành của Bộ Chính trị. Mô hình này do Quốc hội bầu và người đứng đầu do Quốc hội bầu. Đại biểu Hùng cũng đề nghị chuyển tên Thanh tra Chính phủ thành Thanh tra Nhà nước.
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đánh giá tham nhũng là giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm và đề nghị thành lập một cơ quan điều tra về tham nhũng thật mạnh để điều tra những vụ tham nhũng lớn dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cho rằng: “Luật hiện hành không có hiệu quả bởi tình trạng tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng. Trách nhiệm của Quốc hội, nay không giao cho Chính phủ mà giao cho Đảng cho nên tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 phải thấm nhuần trong lần sửa đổi luật này. Nếu chúng ta làm tốt từ năm 2005 thì đã không có Vinashin, Vinalines".
Đại biểu này cho rằng, 7 năm trước, việc Quốc hội thảo luận thông qua Luật phòng chống tham nhũng được coi như việc rèn thanh "Thượng phương bảo kiếm" nhưng vẫn chưa hiệu quả. "Điều đó nói lên rằng luật hiện hành thông qua năm 2005 đã thất bại. Nếu luật làm tốt, hẳn không có Vinashin, Vinalines. Chúng ta chống tham nhũng như đánh trận giả, khi ra trận súng nổ rất to nhưng không ai bị gì...".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, tình trạng tham nhũng được nói đến rất nhiều, đã có một rừng luật, quy định... nhưng thực hiện chưa tốt và luật chưa chặt. "Cần coi tham nhũng như tội phản quốc, buôn ma túy. Nếu không làm như thế thì chống tham nhũng không có hiệu quả", đại biểu này nhấn mạnh.
Bổ sung vào Luật phòng chống tham nhũng
Về các hành vi tham nhũng, đại biểu Mã Điền Cư cho rằng: “Luật phòng chống tham nhũng hiện hành chưa quy định về công khai tài sản thu nhập mà chỉ công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản thu nhập. Đo đó những quy định này chỉ mang tính hình thức, kém hiệu quả và tính khả thi không cao, không phát huy hiệu quả trong phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Tôi đề nghị cần đưa chế định về công khai bản kê khai tài sản. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật phòng chống tham nhũng".
Đại biểu Phạm Xuân Thường nói “Về hành vi tham nhũng quy định trong luật, chỉ có 7/12 hành vi tham nhũng có trong luật hình sự. Ví dụ khi phát hiện ra hành vi nhũng nhiễu, giả mạo trong công tác để hưởng lợi nhưng không thể xử lý theo hình sự mà lại xử lý bằng biện pháp hành chính nên tính răn đe phòng ngừa rất thấp. Các hành vi xâm phạm tài sản tập thể, trốn, lậu thuế thực ra cũng là các hành vi tham nhũng thì phải xử lý bằng pháp luật tham nhũng”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng): “Quy định trong luật phòng chống tham nhũng chỉ có 12 hành vi nhưng thực tế trong các vụ án tham nhũng vừa qua chúng ta đều chuyển sang xử với hành vi cố ý làm trái. Tôi cho rằng phải bổ sung hành vi này là hành vi tham nhũng. Nếu mua một con tàu trị giá 100 tỷ mà mua 200 tỷ nhưng chúng ta chỉ xử được đó là hành vi làm trái thì rất không công bằng và rõ ràng chúng ta đã bỏ lọt hành vi này…”.
Đại biểu Nguyễn Minh Kha (TP. Cần Thơ): “Trong những năm vừa qua, các vụ tham nhũng chủ yếu được phát hiện bởi người dân và báo chí chứ chưa có vụ nào được phát hiện qua kê khai tài sản. Không nhất thiết kê khai tài sản ở khu dân cư và cán bộ công chức không giữ chức vụ quyền hạn thì không phải kê khai tài sản. Cũng cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối người tố cáo vì người bị tố cáo là người có quyền hành, họ không từ bất kỳ thủ đoạn nào khi bị phanh phui”.
"Con cái vị thành niên của cán bộ cũng phải kê khai tài sản"
Về đối tượng kê khai tài sản, nhiều đại biểu cho rằng phải được mở rộng đến tất cả các công nhân, viên chức nhà nước vì có thể liên quan đến việc quản lý tài sản nhà nước.
Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, người có lượng tài sản tăng bất thường thì phải có nghĩa vụ giải trình tài sản mà mình có. Việc viên chức kê khai tài sản công khai chỉ mất thời gian trong năm đầu, năm sau bổ sung và phải được kê khai hàng năm.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng con cái vị thành niên của cán bộ, viên chức cũng phải kê khai tài sản vì nếu không kê khai sẽ khó kiểm soát được nguồn gốc tài sản do cán bộ tham nhũng chuyển sang. Về vấn đề này đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên) cũng cho rằng nên mở rộng đối tượng kê khai tài sản.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng phải công khai tài sản của cán bộ, viên chức ở cơ quan và phát thanh tại khu dân cư. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Trần Văn Tấn (tỉnh Tiền Giang) khi đề nghị không thuyên chuyển công tác cán bộ trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.
Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) lại cho rằng: “Cần quy định rõ về các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Nếu không có cơ chế khuyến khích và bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham những thì người dân và cả cán bộ sẽ chỉ coi việc phòng chống tham nhũng là của… Nhà nước.
Không nên mở rộng ra nhiều Đảng viên, điều này chỉ mang tính hình thức, không khả thi vì không phải Đảng viên nào cũng có chức vụ quyền hạn để có thể tham nhũng. Chỉ nên tập trung vào những người có chức vụ quyền hạn”.
Về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng công tác bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa được thực hiện tốt và trong dự thảo luật còn nhiều điểm bất hợp lý khi đưa vào thực tế như việc: cấp dưới sẽ khó có thể tố cáo cấp trên tham nhũng khi còn “muốn được ngồi ở chỗ làm việc của mình”…
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét