Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Trung Quốc tăng áp lực, đuổi tàu Việt Nam khỏi vùng biển ‘chủ quyền’

29/11/2012- HẢI NAM (NV) - Nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam vừa ra một quyết định được hiểu ngầm là theo lệnh của Bắc Kinh leo thang áp lực đối với Việt Nam và Philippines trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

Bản tin Patrols in Hainan get more clout trên Tờ Trung Quốc Nhật báo, bản Anh ngữ, hôm Thứ Tư 28/11/2012, cho hay cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam được lệnh lên tàu và khám xét các tàu bị coi là “xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng biển thuộc thẩm quyền tỉnh này.


Một tàu Hải giám của Trung quốc hộ tống tàu đánh cá của họ hồi Tháng Bảy vừa qua, hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. (Hình: AP photo)

Quyết định, có hiệu từ đầu Tháng Giêng 2013, đã được nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam thông qua hôm Thứ Ba 27/11/2012 cho quyền cảnh sát biên phòng leo lên tàu nước ngoài “xâm phạm bất hợp pháp vùng biển chủ quyền” hoặc ra lệnh cho những tàu đó “hoặc đổi hướng hoặc ngừng chạy”.

Báo trên nói có 6 trường hợp hoạt động của tàu hoặc thuyền viên nước ngoài bị coi là bất hợp pháp, chẳng hạn như “lên các đảo thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam, phá hỏng các cơ sở phòng vệ bờ biển và thi hành các chiến dịch công khai gây tổn hại cho an ninh quốc gia”.

Bản tin nói trên tường thuật thêm “Nếu tàu hoặc thuyền viên ngoại quốc vi phạm quy định, cảnh sát có quyền nắm quyền điều khiển (chiếm) tàu và các phương tiện liên lạc.

Quyết định còn nhấn mạnh cảnh sát biên phòng còn tăng cường tuần tra các vùng biển thuộc thành phố Tam Sa và phối hợp hoạt động với các hoạt động tuần tiễu thường xuyên trên biển Nam Hải để bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển.”

Rõ ràng, quyết định nói trên nhắm phần lớn vào tàu thuyền Việt Nam rồi tới Philippines.

Quyết định của tỉnh Hải Nam được lệnh thi hành diễn ra sau khi Việt Nam, Philippines phản ứng lại hộ chiếu in hình bản đồ Trung quốc có vẽ 9 đoạn “chủ quyền” chiếm 80% Biển Đông, hình “Lưỡi Bò” nuốt trọn những khu vực đang tranh chấp với Việt Nam và Philippines.

Hành động này chứng tỏ dù Bắc Kinh thay đổi lãnh tụ nào thì cái chủ trương bá quyền bành trướng của họ không có gì thay đổi. Về mặt tuyên truyền thì ngoại giao của họ nói giọng hòa hoãn, không muốn gia tăng căng thẳng với các nước chung quanh. Nhưng trong thực tế vẫn tiếp tục các hành động lấn tới, đẩy thêm áp lực.

Gia tăng áp lực

Những năm qua, các vụ bắt giữ nhắm phần lớn vào các ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản gần quần đảo Hoàng Sa, nay với cái quyết định mới này, Bắc Kinh bắn tín hiệu leo thang cái trò thách thức Việt Nam và Philippines.

Tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa cấp huyện” trực thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm các vùng biển rộng lớn hơn 2 triệu km2, nuốt trọn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và những vùng biển tranh chấp với Philippines. Sau đó, thành lập Bộ chỉ huy quân sự Tam Sa đặt ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa.

Gần đây liên tiếp đưa tin tăng tốc xây dựng đường xá, nhà cửa, nhà máy lọc nước, nhà máy “xử lý” rác, nhà bưu điện, cơ sở khí tượng ở Phú Lâm. Nhìn những tấm hình gần đây, người ta đã thấy trên đảo Phú Lâm một cơ sở Radar quân sự khá đồ sộ ngoài phi đạo cho phi cơ đã hoàn tất nhiều năm trước.

Ngày 23/11 vừa qua, Tân Hoa Xã loan báo nhà cầm quyền Bắc Kinh cho phát hành một bản đồ Trung Quốc mới trên đó gồm cả “thành phố Tam Sa”. Nhiều tài liệu cổ mà Việt Nam có được, trên đó các bản đồ Trung Quốc không có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Liệu trong tương lai, ngư dân Việt Nam đánh cá trên biển Đông trong phạm vi “Lưỡi Bò” có bị sách nhiễu, áp lực, thậm chí đâm chìm tàu hay bắt giữ như ở gần quần đảo Hoàng Sa hay không, theo quyết định mà Hải Nam nhận lệnh từ Bắc Kinh?

Thậm chí, ngay cả các tàu hải quân hay tàu “công vụ”, cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong những vùng biển mình tuyên bố chủ quyền nhưng nằm trong cái “Lưỡi Bò” có còn đi lại ở đó hay không? Ngư dân Việt Nam sẽ phải nằm bờ chờ chết đói? Tàu hải quân hay cảnh sát biển Việt Nam sẽ chỉ quanh quẩn ở sát bờ? Đây là những câu hỏi chờ đợi các phản ứng của Hà Nội.

Bắc Kinh có rất nhiều thủ đoạn và kế hoạch nham hiểm tạo căng thẳng và nhức đầu cho các nước láng giềng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. (TN)

Theo Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét