Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Thưa Quốc hội, nhiều chuyện dân không làm được...

SGTT.VN - Được yêu cầu trợ giúp bộ trưởng bộ Y tế trả lời chất vấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trưởng ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, đề nghị: “Bà con nhân dân, các đại biểu quốc hội gương mẫu không ăn gà nhập lậu, bảo vệ sức khoẻ cho mình”.

Báo chí tường thuật đại biểu đã cười, nguyên do dễ hiểu, nằm ở chính bình luận gây cười của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau đó. Ông Hùng nói “Đại biểu quốc hội chắc cũng không thể biết con gà nào là gà không an toàn (...), còn không ăn gà là gà mất vệ sinh nhưng cũng khó biết vì gà rán, gà nướng, gà nấu cháo rồi làm sao biết được”. Trong khi đại biểu cùng nhau cười trên truyền hình thì ngoài đời sống, dân coi hay không coi cảnh đó lại đang “khóc” giữa vô vàn trái cây, rau củ, thịt cá… không biết ăn vào để sống hay để chết vì sự độc hại bí ẩn của nó. Đã vậy, mấy năm trước, trong một dự thảo nghị định liên quan đến trách nhiệm quản lý của chính mình, các nhà hoạch định chính sách của bộ Y tế còn đưa ra sáng kiến quái dị: phạt nặng những ai cố tình ăn bẩn.


Bộ trưởng bộ Y tế kêu gọi “nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa phong bì thì chụp ảnh, ghi lại tên điều dưỡng, bác sĩ, cán bộ y tế đó gửi cho giám đốc bệnh viện và gửi cho chúng tôi”. Dân liệu có làm được điều này?

Dù thanh minh mình không phải là tác giả nhưng phong trào “nói không với phong bì” đã được công đoàn ngành y tế phát động như sự thừa nhận một cách chính chủ thực tế này và dù là vài con sâu hay cả một bầy sâu thì nồi canh đã bị “rầu”. Càng coi nhiều thì càng khóc to, nhất là với cảnh bộ trưởng bộ Y tế kêu gọi “nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa phong bì thì chụp ảnh, ghi lại tên điều dưỡng, bác sĩ, cán bộ y tế đó gửi cho giám đốc bệnh viện và gửi cho chúng tôi”. Vì sao người dân nghèo khổ phải rút hầu bao đưa phong bì riêng để nhận dịch vụ mình đã trả phí? Vì nếu không, người thân đang bị bệnh tật hành hạ của họ có thể bị hành hạ thêm bởi sự chậm trễ, tắc trách, thiếu trách nhiệm của lương y. Tố cáo thì mang tính xây dựng đấy nhưng vấn đề là ai có điều kiện để chụp ảnh và quan trọng hơn, trong thời gian tác nghiệp và chờ giải quyết không biết kết quả thế nào, bệnh nhân có thể đã lãnh hậu quả.

Cách tiếp cận dân làm hư y bác sĩ, hư cảnh sát giao thông, hay hư cán bộ nói chung vì phong bì đang dần trở nên phổ biến trong suy nghĩ của giới quản lý nhưng trong rất nhiều tình huống được đặt tên là tham nhũng vặt, dân không thể không hư. Người muốn làm người nên cũng không dễ vì kinh nghiệm ứng dụng lời kêu gọi của bà Tuyến trong lĩnh vực giao thông cho thấy có xác suất rủi ro nhất định. Cho dù lãnh đạo cao cấp ngành công an có nói rằng người dân có quyền chụp hình, quay phim cảnh sát tác nghiệp nếu khu vực đó không có bảng cấm thì tin tức cho thấy cấp dưới dường như không ghi nhận quyền tác nghiệp của người dân, khi mà họ vẫn bị gây khó dễ. Còn với tham nhũng không vặt, không chống quyết liệt được không chỉ vì khả năng tham nhũng trong chính hệ thống chống nó hay người tham nhũng được tha nhẹ nhờ nhân thân tốt như thảo luận của các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội, mà vấn đề còn nằm ở chỗ người dân không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. Trên cái nền thực tế đó, đề nghị mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham của một đại biểu giống như việc xức dầu cù là cho căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Câu hỏi đặt ra là vì sao những người mang trọng trách quản lý nhà nước bị chất vấn toàn đề nghị dân những điều dân không làm được hay bản thân điều ấy không có ý nghĩa với “cục diện tình hình”? Trong khi đó, có nhiều cách khác, căn cơ hơn, lại chính thuộc trách nhiệm của họ. Ví như chuyện gà lậu, gà bẩn, đáng ra phải quản từ cửa khẩu, từ khâu lưu thông, phân phối thay vì để nó leo thẳng lên bàn ăn của người dân. Tư duy quản lý sao cho bớt việc, thuận tiện cho mình đáng phê phán không chỉ ở chỗ sự thuận tiện đó không mang lại hiệu quả mà nguy hiểm hơn, không chỉ cho dân, nó còn cho thấy thái độ thoái thác trách nhiệm mà vì trách nhiệm ấy người dân mới bầu bán, Nhà nước mới phân ông nọ bà kia ngồi ghế ấy.

Trong nhiều trường hợp, người dân có quyền nghi ngờ mục tiêu của chiếc ghế và đặt dấu hỏi lợi ích đằng sau mỗi việc hành động hay không hành động của nhà quản lý. Nhất là khi chúng không chỉ làm khó mà còn làm thiệt cho dân. Trả lời chất vấn kiểu thống đốc Nguyễn Văn Bình thì ngân hàng Nhà nước chỉ quan tâm giá vàng miếng khi nó ảnh hưởng đến vĩ mô, giờ không ảnh hưởng nữa thì giá trong nước chênh lệch giá thế giới, giá vàng SJC chênh với vàng phi SJC sao cũng được. Ngân hàng Nhà nước không quan tâm nhưng dân không thể không quan tâm đến túi tiền của mình, vốn tự nhiên bị thay đổi bởi quyết định độc quyền nhà nước đối với vàng SJC. Hay như xìcăngđan chính sách mang tên nghị định 71 mới đây, chỉ vì muốn truy thu thuế – phí chuyển quyền sở hữu xe mà nhà quản lý can thiệp cả vào quyền sở hữu tài sản (quyền định đoạt) của người dân vì cho mượn cũng là một trong những quyền định đoạt. Trả lời phỏng vấn gần đây của giới quản lý cho thấy có thể người dân sẽ bị bắt phải chứng minh là họ đã được cho mượn dù có giữ giấy tờ xe, nếu không sẽ bị phạt!

Thưa Quốc hội, có quá nhiều chuyện dân không làm được và đang bị thiệt, đừng để nhà quản lý bắt dân phải làm, phải chịu.

Nguồn: Sài Goàn Tiếp Thị


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét