"Những gì tôi có thể báo cáo ngày hôm nay rằng đó là một mỏ khí đốt lớn", Wang Yilin, Chủ tịch Công ty dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC), cho biết hôm thứ sáu tại Đại hội Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh.
Wang cho biết kích thước của khu mỏ đang được đánh giá bởi các cơ quan nhà nước Trung Quốc. Một mỏ dự trữ khí đốt có ít nhất 50 tỷ mét khối, hoặc khoảng 1,6 nghìn tỷ feet khối, thường được coi là một phát hiện lớn.
Hai quan chức trong ngành cho biết có thể ông Wang đề cập đến mỏ Dongfang 13-2, nơi CNOOC khoan thử nghiệm vào tháng Tám với hơn 1 triệu mét khối sản lượng khí đốt hàng ngày tại một giếng duy nhất, là một trong những mỏ khí lớn nhất được phát hiện ngoài khơi Trung Quốc.
Bể Sông Hồng, phía tây bắc của Biển Đông (thuộc vùng biển Vịnh Bắc Bộ và biển miền Trung của Việt Nam), là nơi giàu khí đốt, các chuyên gia nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp gần như hầu hết biển Đông, vùng biển mà người ta tin rằng chứa một lượng dầu khí khổng lồ trải dài từ Trung Quốc sang In-đô-nê-xi-a và từ Việt Nam sang Philippines.
1. Vị trí địa lý
Bể trầm tích Sông Hồng nằm trong khoảng 105o30' - 110o30' kinh độ Đông, 14o30' - 21o00' vĩ độ Bắc. Về địa lý, bể Sông Hồng có một phần nhỏ diện tích nằm trên đất liền thuộc đồng bằng Sông Hồng, còn phần lớn diện tích thuộc vùng biển Vịnh Bắc Bộ và biển miền Trung thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh , đến Bình Định. Đây là một bể có lớp phủ trầm tích Đệ Tam dày hơn 14 km, có dạng hình thoi kéo dài từ miền võng Hà Nội ra vịnh Bắc Bộ và biển miền Trung. Dọc rìa phía Tây bể trồi lộ các đá móng Paleozoi-Mesozoi. Phía Đông Bắc tiếp giáp bể Tây Lôi Châu, phía Đông lộ móng Paleozoi-Mesozoi đảo Hải Nam, Đông Nam là bể Đông Nam Hải Nam và bể Hoàng Sa, phía Nam giáp bể trầm tích Phú Khánh. Tổng số diện tích của cả bể khoảng 220.000 km2, bể Sông Hồng về phía Việt Nam chiếm khoảng 126.000km2 trong đó phần đất liền miền võng Hà Nội (MVHN) và vùng biển nông ven bờ chiếm khoảng hơn 4000 km2.
2. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí
Công tác TKTD dầu khí ở bể Sông Hồng được tiến hành từ đầu thập kỷ 60 của thể kỷ trước nhưng chủ yếu chỉ được thực hiện trên đất liền và đến năm 1975 đã phát hiện được mỏ khí Tiền Hải C. Bể trầm tích Sông Hồng được tăng cường đầu tư nghiên cứu với 12 hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và điều hành chung JOC. Trên phần lãnh thổ Việt Nam của bể Sông Hồng đã khảo sát tổng cộng hơn 80.000 km tuyến địa chấn 2D và 1200 km2 tuyến địa chấn 3D, tập trung chủ yếu ở các lô trên đất liền, ven cửa sông Hồng và biển miền Trung. Đã có trên 50 giếng khoan TKTD trong khu vực: 27 giếng trên đất liền và 24 giếng ngoài khơi. Trên đất liền đã phát hiện được một mỏ khí đã và đang được khai thác . Ở ngoài khơi tuy đã phát hiện khí, nhưng chưa có phát hiện thương mại để có thể phát triển mỏ nhỏ.
3. Cấu trúc địa chất
Bể Sông Hồng rộng lớn có cấu trúc địa chất phức tạp thay đổi từ đất liền ra biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và Nam, bao gồm các vùng địa chất khác nhau, vì thế đối tượng TKTD cũng khác nhau. Có thể phân thành 3 vùng địa chất: - Vùng Tây Bắc: bao gồm miền võng Hà Nội (MVHN) và một số lô phía Tây Bắc của vịnh Bắc Bộ(lô 102, 103, 106, 107). Đặc điểm cấu trúc nổi bật của vùng này là cấu trúc uốn nếp phức tạp kèm nghịch đảo trong Miocen. - Vùng Trung tâm: bao gồm từ lô 107-108 đến lô 114-115 với mực nước biển dao động từ 20 - 90m. Vùng này có cấu trúc đa dạng, phức tạp, nhất là tại phụ bể Huế-Đà nẵng, nhưng nhìn chung có móng nghiêng thoải dần vào trung tâm (depocentre) với độ dày trầm tích hơn 14000m. Các cấu tạo nói chung có cấu trúc khép kín kế thừa trên móng ở phía Tây, đến các cấu trúc diapir nổi bật ở giữa trung tâm. - Vùng phía Nam từ lô 115 đến lô 121, với mực nước thay đổi từ 30 - 800m, có cấu trúc khác hẳn so với hai vùng trên vì có móng nhô cao trên địa lũy Tri Tôn tạo thềm cacbonat và ám tiêu san hô, bên cạnh phía Tây là địa hào Quảng Ngãi và phía Đông là các bán địa hào Lý Sơn có tuổi Oligocen.
4. Tiềm năng dầu khí
• Năm 1996, trong chương trình hợp tác với BP, PetroVietnam đã thực hiện đề án đánh giá khí tổng thể (Vietnam Gas Master Plan) ở bể Sông Hồng với 4 đối tượng chính là móng trước Đệ Tam, cát kết vùng ven, cát kết turbidit và khối xây cacbonat. Kết quả đánh giá từ 4 đối tượng trên cho thấy tiềm năng có thể thu hồi vào khoảng 420 tỷ m3 (15 TCF) khí thiên nhiên, 250 triệu thùng (40 triệu m3) condensat, 150 triệu thùng (24 triệu m3) dầu và 5 tỷ m3 khí đồng hành.
• Năm 1997 PetroVietnam thực hiện đánh giá tổng thể tài nguyên dầu khí thềm lục địa Việt Nam (VITRA - Vietnam Total Resource Assessment, đề án hợp tác giữa PetroVietNam và NaUy) trong đó có bể Sông Hồng. Theo đề án này tổng tiềm năng thu hồi của bể Sông Hồng được tính cho 8 đối tượng gồm: móng trước Đệ Tam, cát kết châu thổ-sông ngòi Oligocen, cát kết châu thổ-sông ngòi-đầm hồ Oligocen, cát kết châu thổ-sông ngòi-biển nông Oligocen và Miocen dưới, bẫy thạch học Oligocen-Miocen, vùng nghịch đảo kiến tạo Miocen, khối xây cacbonat và turbidit, vào khoảng 570 - 880 triệu m3 quy dầu trong đó đã phát hiện khoảng 250 triệu m3 quy dầu.Trên cơ sở kết quả của đề án VITRA, trữ lượng và tiềm năng dầu khí bể Sông Hồng có thể đạt khoảng 1.100 triệu m3 quy dầu, chủ yếu là khí .
• Đến nay tại bể Sông Hồng mới chỉ có 9 (theo cập nhật của Vibay blog ngày 09 tháng 11 năm 2012 là 10) phát hiện khí và dầu với tổng trữ lượng và tiềm năng khoảng 225 triệu m3 quy dầu, trong đó đã khai thác 0,55 tỷ m3 khí. Các phát hiện có trữ lượng lớn đều nằm tại khu vực vịnh Bắc Bộ và phía Nam bể Sông Hồng, như vậy tiềm năng khí ở ngoài biển hơn hẳn trong đất liền, tuy nhiên do hàm lượng CO2 cao nên hiện tại chưa thể khai thác thương mại được. Tiềm năng chưa phát hiện dự báo vào khoảng 845 triệu m3 quy dầu, chủ yếu là khí và tập trung ở ngoài biển./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét