Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Những bước đi hiểm độc của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông

25/11/2012- Việc Trung Quốc tung ra hộ chiếu phổ thông điện tử mới là âm mưu được tính toán kỹ từ trước. Đây thực sự là cuốn “hộ chiếu bành trướng”, thêm bước đi mới của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông.

Vẽ bản đồ vào hộ chiếu

Việc Trung Quốc tự vẽ ra Đường 9 đoạn trên Biển Đông từ năm 1947 rồi tự cho rằng đây là đường biên giới trên biển của mình là một hành động đơn phương, không được bất cứ quốc gia nào công nhận.


Cuốn hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc (bên phải).

Đường 9 đoạn (còn gọi là Đường Lưỡi bò bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của biển Đông, chỉ để lại khoảng 25% cho tất cả các nước ven Biển Đông là Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam (mỗi nước chỉ được trung bình 5%).

Nhằm đạt được mưu đồ biến Biển Đông thành biển của riêng mình, Trung Quốc đã có những bước đi được tính toán cụ thể để từng bước hợp thức hoá, pháp lý hoá Đường Lưỡi bò.
Sau khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Sài Gòn, Trung Quốc đã đặt tên cho các đảo; năm 1983 tiến hành khảo sát Biển Đông theo vùng nước họ yêu sách, đến sát bờ biển Malaysia; gây hấn và dùng vũ lực chiếm đóng một số bãi ngầm của Việt Nam ở Trường Sa (1988); ký hợp đồng với hãng Crestone của Mỹ khảo sát bãi Tư Chính của Việt Nam (năm 1992); quy định tất cả các bản đồ Trung Quốc xuất bản trong nước phải có vẽ Đường Lưỡi bò.

Đỉnh điểm của mưu đồ thôn tính Biển Đông bằng pháp lý là ngày 6-5-2009, Trung Quốc chính thức đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc bản đồ Đường Lưỡi bò cùng yêu sách sai trái của họ.

Hành động ngang ngược và yêu sách vô lý của Trung Quốc không những bị dư luận quốc tế bác bỏ, mà ngay chính giới học thuật có lương tri Trung Quốc cũng không thừa nhận.
Rất nhiều tấm bản đồ do các triều đại trước đây và kể cả chính thể Cộng hoà nhân dân Trung Hoa hiện nay in đều thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc.


Hình Đường Lưỡi bò được in trong hộ chiếu.

Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có học giả Lý Lệnh Hoa, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu pháp luật biển của Trung Quốc đã lên tiếng, cho rằng, “Đường chín đoạn do tiền nhân của chúng ta tuỳ tiện vạch ra không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý gì”.

Lần này, việc Trung Quốc bất ngờ tung ra cuốn hộ chiếu phổ thông điện tử mới là âm mưu được tính toán kỹ từ trước. Đây thực sự là một cuốn “hộ chiếu bành trướng”, bởi ngoài việc vẽ thêm Đường Lưỡi bò vào phía cuối, phía Tây của bản đồ này còn “ngoạm” thêm trọn các phần đất bang Arunachal Prades và vùng Aksai Chin của Ấn Độ mà Trung Quốc đặt cho cái tên mới là “khu Tạng Nam”.

Được Bộ Công an Trung Quốc phát hành từ ngày 15-5-2012 cho các công dân Trung Quốc, cuốn hộ chiếu này trông bề ngoài không khác hộ chiếu phổ thông cũ, chỉ khác ở chỗ nó được gắn chíp điện tử trong đó lưu trữ các thông tin hình ảnh, vân tay của chủ nhân.
Dày 48 trang, cuốn hộ chiếu này bắt đầu in hình bản đồ có Đường Lưỡi bò từ trang thứ 8 ở nửa phía trên, phía dưới là hình Thiên An Môn. Đến nay, khoảng 6 triệu cuốn hộ chiếu kiểu này đã được cấp cho công dân Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tung ra cuốn hộ chiếu mới đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế và ngay cả trong dân chúng Trung Quốc.

Việt Nam và Philippines lập tức lên tiếng phản đối. Việt Nam coi đây là hành vi “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông”, yêu cầu Trung Quốc phải sửa đổi, huỷ bỏ những nội dung sai trái trong cuốn hộ chiếu.


Tập bản đồ cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc phát hành trái phép. Trung Quốc cố tình bóp méo lịch sử

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario chính thức gửi công hàm ngoại giao phản đối đến Bắc Kinh và gọi bản đồ là “tuyên bố vô lý về không gian hàng hải và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines Heznandes tuyên bố, không chấp nhận những người Trung Quốc mang hộ chiếu này nhập cảnh.

Phía Ấn Độ đối phó bằng cách dán lên hộ chiếu của những người Trung Quốc đến sứ quán Ấn ở Bắc Kinh xin thị thực nhập cảnh chiếc bản đồ Ấn Độ trên ghi rõ “Tạng Nam” là bang Arunachal Prades và vùng Aksai Chin của họ.

Báo chí Trung Quốc cho biết, nhiều công dân sử dụng cuốn hộ chiếu mới này tỏ ra lo ngại về những phiền phức gặp phải khi họ ra nước ngoài, nhất là khi họ nhập cảnh các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

“Thời báo Tài chính” của Anh, ngày 22-3 đăng bài “Hộ chiếu – phương thức mới để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, viết: tấm bản đồ in trong hộ chiếu thể hiện yêu sách lãnh thổ, đưa vùng nước trong Đường 9 đoạn vào lãnh thổ của mình. Hành động này đã khiến các nước láng giềng phẫn nộ.

Hãng tin GMA của Philippines hôm 22-11 cho rằng; đây là “hành động trắng trợn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc”.

Phát hành tập bản đồ cái gọi là “thành phố Tam Sa”

Chiều 23-11, Tổng cục Xuất bản báo chí Trung Quốc phê chuẩn, cho phép phát hành trên toàn Trung Quốc từ ngày 24-11 tập “Bản đồ thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam” do Phòng biên vẽ, dẫn đường, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu thực hiện.

Theo quảng cáo của Tân Hoa xã, đây là tập bản đồ chuyên đề tập hợp ảnh vệ tinh, ảnh hàng không, bản đồ địa hình, hành chính, với 6 loại tỷ lệ, gồm 1/30.000.000, 1/6.000.000, 1/3.000.000, 1/1.500.000, 1/740.000 và 1/360.000.

Nó thể hiện hoàn chỉnh vị trí địa lý, địa mạo đáy biển, tài nguyên biển, giao thông hải văn, cầu cảng, sân bay, phân chia hành chính, “lịch sử quản hạt của Trung Quốc đối với các đảo Nam Hải từ thời Hán đến nay”(!?), các thành phố, hải cảng của các nước ven “Nam Hải” (Biển Đông), ảnh vệ tinh của 38 đảo, bãi quan trọng.…

Đây rõ ràng là bước đi sai trái mới của Trung Quốc, tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Cái gọi là “thành phố Tam Sa” (đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam) được Trung Quốc thành lập hồi tháng 7-2012 bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế có diện tích gồm toàn bộ vùng nước bên trong Đường Lưỡi bò mà họ vạch ra một cách ngang ngược và tuỳ tiện kể từ năm 1947.

Thu Thuỷ (Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét