Lẽ ra với chế độ chính trị giống Mỹ và phương Tây như Nga thì Nga sẽ yên ổn làm ăn, không lo lắng gì về an ninh quốc phòng với Mỹ, nhưng thực tế thì không.
Chính Nga, chứ không phải Trung Quốc mới là đối thủ tiềm tàng cản trở, thách thức địa vị Bá chủ thế giới của Mỹ.
Bởi thế, kiềm chế Nga là mục tiêu chiến lược lâu dài của Mỹ. Hiệp ước Bắc đại tây dương(NATO) không bị bãi bỏ mà còn phát triển về hướng Đông để bao vây Nga. Các hệ thống lá chắn tên lửa cũng để chống Nga…Mỹ muốn Nga không còn “cựa quậy” giống như Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần 2 vậy.
Hơn ai hết, Mỹ thừa hiểu sức mạnh quân sự của Nga. Nếu tiếng gầm của con Sư tử Mỹ vang rền hùng mạnh trên thế giới đầy khí phách, nội lực thì tiếng gầm của con Hổ Nga nghe có vẻ yếu vì đói mồi, nhưng xin lưu ý, đó vẫn là tiếng gầm của Hổ, chúa sơn lâm.
Đừng thấy hổ đói mồi phải ăn cỏ mà tưởng là giống Dê rồi đến “Vuốt râu Hùm” thì mất mạng như chơi. Ông Mikheil Saakashvili, Tổng thống Georgia là một nạn nhân như vậy. Tiếc là khi ông ta hiểu ra điều này thì đã quá muộn.
Còn Trung Quốc thì sao? Là nước thứ hai sau Liên Xô cùng phe xã hội chủ nghĩa, khi Liên Xô tan rã tại sao Mỹ không “làm gỏi” luôn? Chẳng lẽ 3 thập kỷ giấu mình chờ thời để trổi dậy mà Mỹ bỏ qua, không biết ư?
Đơn giản là qua cuộc chiến tranh Việt Nam không ai hiểu ý đồ, ý chí, nội lực của Trung Quốc hơn Mỹ. Vì thế Mỹ rất tự tin, Trung Quốc chẳng là cái gì khi cạnh tranh, thách thức địa vị thống trị của Mỹ. Mỹ bắt đầu chơi con bài Trung Quốc.
Một thực tế là Trung Quốc có tiến bộ vượt bậc về kinh tế và quân sự khiến thế giới ca ngợi. Bộ máy tuyên truyền của Mỹ thì không ngừng thổi phồng lên sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nào là tàu ngầm Trung Quốc đuổi tàu SB Mỹ, nổi lên cách vài trăm mét mà Mỹ không biết; nào là trong 5-10 năm tới Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt Mỹ…Trung Quốc cũng tự mình xếp hạng đứng thứ 2 sau Mỹ về quân sự…
Mỹ tự “lo sợ, hốt hoảng”, Mỹ vẽ ra một bức tranh màu hồng cho Trung Quốc, làm Trung Quốc mất tỉnh táo sinh ra ngộ nhận.
Thứ nhất họ cho rằng Mỹ bị khủng hoảng kinh tế, sa lầy ở Irac, Apganxtan nên suy yếu, việc Trung Quốc đuối kịp và vượt chỉ là vấn đề thời gian. Thời cơ soán ngôi đã đến.
Thứ hai là tiềm lực quân sự của họ cho phép họ tuyên bố “lợi ích cốt lõi” (là lợi ích mà Trung Quốc có quyền dùng vũ lực để bảo vệ hoặc chiếm giữ) ở nơi mà họ muốn (trước mắt là biển Đông, tiếp theo là Châu Á TBD chẳng hạn).
Cái bẫy của Mỹ giăng ra, Trung Quốc chui vào không ngần ngại
Trung Quốc lập tức thay đổi thái độ và hành xử với các quốc gia láng giềng, khu vực. Thái độ thì hung hăng, hiếu chiến, nước lớn. Hành động thì ngang ngược, chèn ép, bắt nạt, đe dọa dùng vũ lực.
Ngay như Nhật Bản-siêu cường biển châu Á thật sự mà vụ Nhật bắt Thuyền trưởng tàu đánh cá TQ xét xử khiến TQ gầm lên, hùng hùng hổ hổ,(đúng là nghé không sợ cọp) vậy, thử hỏi những nước nhỏ khác trong khu vực Trung Quốc coi ra gì? Ai dám bắt tay thân thiện với một quốc gia như thế mà không bất an? Họ sẽ làm gì, chịu hòa tan, lệ thuộc hay là tìm lối khác?
Và đây là những bước đi của họ:
Đầu tiên là tăng cường tiềm lực quân sự, hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh. Việt Nam là một trong những nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc nhiều nhất và đương nhiên bị gây căng thẳng, đe dọa nhiều nhất. Bởi vậy, tăng cường tiềm lực quân sự, xây dựng Hải quân hiện đại đủ sức đương đầu với nguy cơ xâm lược là điều không thể không làm.
Thực tế, với sự hợp tác với Nga, Ấn Độ về quân sự, Việt Nam đã tăng cường đáng kể sức mạnh phòng thủ của mình, có đủ tự tin để quan hệ với Trung Quốc một cách bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và cùng phát triển. Việt Nam đã học được từ lịch sử bài học không nên đặt niềm tin vào những lực lượng bên ngoài.
Nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước một cơ hội khác thường trong việc xây dựng một liên minh quốc tế và khu vực hiệu quả trong việc bảo vệ những tuyên bố chủ quyền hợp pháp. Rõ ràng Việt Nam không còn đứng một mình trong việc phản đối bá quyền Trung Quốc. Các nước khác như Philipin, Malaixia, Indonixia… cũng có những bước đi như vậy.
Bước đi tiếp theo là tìm đối tác để đối trọng, cân bằng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc (Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ…) và Mỹ là sự lựa chọn tối ưu.
Hoa Kỳ cũng chỉ chờ có thế. Giống như một vở kịch có 3 màn tuyệt phẩm.
Màn thứ nhất: Bi kịch tàu chiến Hàn Quốc bị đánh chìm. Không cần biết nguyên nhân ai là thủ phạm, chỉ biết rằng mối quan hệ giữa Mỹ-Hàn tưởng như đã nguội lạnh bỗng nhiên ấm áp trở lại.
Màn thứ hai: Sự kiện tranh chấp với Nhật Bản. Những tưởng Mỹ không còn chỗ đứng chân trên đất Nhật nào ngờ thái độ như muốn ăn tươi nuốt sống Nhật Bản khiến cho Liên minh Mỹ-Nhật có thêm sức sống mới. Trung Quốc vô tình khiến Nhật nổi máu “Võ sĩ đạo”.(Với Philipines thì Mỹ đã có sẵn Hiệp ước phòng thủ chung)
Và bước đi cuối cùng là giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Một nước như CHDCND Triều Tiên mà quan hệ với Nga để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc thì đủ biết sự lệ thuộc vào Trung Quốc nó phức tạp như thế nào.
Đối với các nước ASEAN thì Myanmar là một minh chứng sinh động. Ngả theo phương Tây đã đành, Myanmar còn quyết định ngừng hợp đồng xây thủy điện với Trung Quốc khiến ông lớn hàng xóm phản đối quyết liệt.
Vậy là Mỹ trở lại châu Á-TBD như là một “hiệp sỹ” đối với các quốc gia trong khu vực, củng cố, hình thành mau lẹ những liên minh quân sự…khiến Trung Quốc không kịp phản ứng, chỉ “thốt lên” “Trung Quốc chưa từng thành lập một liên minh quân sự như vậy” (Lưu Vi Dân).
Hiện diện của Mỹ ở châu Á-TBD, bất kỳ cách dùng từ ngữ nào cũng vì mục đích: Bao vây, kiềm chế Trung Quốc.
Trong khi đó Trung Quốc thu được gì? Họ mất bạn, láng giềng gần thì tự mình khiến họ xa lánh, cảnh giác, mất lòng tin. Trung Quốc nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Trung Quốc cứu vãn tình thế bằng cách ngăm người này, đe người khác rằng không được theo Mỹ, Nhật…nhưng đã muộn.
Chính Trung Quốc đã tự đẩy các quốc gia láng giềng ngả theo Mỹ, chính họ vì ngộ nhận, do sự ru ngủ của Mỹ đã tự trói tay chân mình.
Trục Đức-Ý-Nhật ngày xưa mà không làm được gì thì một Trung Quốc đơn độc liệu có thành công khi bộc lộ tham vọng và ngông cuồng quá sớm?
Lê Ngọc Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét