Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

CTN Trương Tấn Sang cảnh báo tồn vong chế độ

28/11/2012- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi đại biểu Quốc hội “đừng để mất lòng tin của dân” trong việc bỏ phiếu tín nhiệm với các quan chức, dự kiến lần đầu thực hiện vào năm 2013.


Chủ tịch Trương Tấn Sang đặt hy vọng vào việc bỏ phiếu tín nhiệm

Phát biểu với cử tri ở TP. HCM sau kỳ họp Quốc hội, ông Sang nói: “Nếu vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong. Muốn chế độ vững bền thì người cầm lá phiếu phải đầy trọng trách.”

Báo điện tử VietNamNet cũng dẫn thêm: “Tôi hy vọng rằng, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trên cả nước đừng để mất lòng tin của dân khi họ đã bỏ phiếu cho mình.”

Chủ tịch nước có buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, TP. HCM hôm 26/11 và một lần nữa kêu gọi người dân “đừng sợ” khi tố giác tham nhũng.

“Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người chứ không thể trù úm cả dân tộc này,” ông Sang nhắc lại.

Trước sự hồ nghi về việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, ông Sang nói: “Cũng hơi chạnh lòng là các cô bác, anh chị chưa tin trung ương lắm. Nhưng niềm tin đang bị giảm sút, tôi thấy thật xấu hổ.”

Ông cho biết về phía Đảng, “chậm nhất là đầu năm 2013, trung ương sẽ ban hành nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm”.

Cử tri bức xúc



Nếu vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong. Muốn chế độ vững bền thì người cầm lá phiếu phải đầy trọng trách."


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 

Tường thuật của báo chí trong nước cho thấy cử tri tham dự buổi gặp hôm 26/11 tỏ ra không hài lòng về nhiều vấn đề của Việt Nam.

Theo báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Văn Lài nói với Chủ tịch nước: “Tôi chưa thấy Nhà nước công khai "nhóm lợi ích” ấy cụ thể là ai, xử lý ra làm sao. Nhất định điều này phải nói rõ để dân hiểu, dân biết, dân giám sát.”

Một người khác, bà Phạm Thị Nga, muốn: “Khi kê khai tài sản, nếu kiểm tra thấy có dấu hiệu tham nhũng thì càng phải làm mạnh, làm tiếp mới rõ được tài sản bất minh, chống được tham nhũng.”

Ông Trương Tấn Sang thừa nhận “để làm được những điều như cử tri mong muốn còn quá nhiều thách đố và cản ngại”.

Theo ông, việc kê khai tài sản còn gặp nhiều trở ngại.

“Có những chuyện không bí mật nhưng cường điệu lên, núp bóng danh nghĩa ‘bí mật’ để che giấu tham nhũng,” ông nói.

Về vấn đề “lợi ích nhóm”, chủ tịch nước không trả lời thẳng: “Kết quả đã làm thời gian qua chưa được bao nhiêu nên tôi xin phép chưa trả lời cụ thể.”

“Làm gì cũng sợ hết thì chịu thôi”

Cử tri Phạm Thị Nga nêu vấn đề: “Người dân phát hiện tham nhũng có người dám nói sự thật nhưng có người phải thông qua kênh thông tin báo chí, có trường hợp khi nhà báo đưa tin hoặc đi lấy tin thì lại bị hành hung hoặc bị trù dập”.

Chủ tịch nước giải thích, trong các nghị quyết của Đảng đã khẳng định các cơ quan thông tin truyền thông là một trong những công cụ cực kỳ quan trọng, góp phần phòng, chống tham nhũng và lãng phí. “Gần đây có anh em (báo chí - NV) gặp tôi than vãn là không được coi trọng lắm. Tôi có nghe đồn thổi là ông A, ông B, ông C nào đó ra lệnh cấm đoán. Như vậy là không có quyền. Ai đó có thẩm quyền riêng thì thẩm quyền đó phải được quy định trong điều lệ Đảng hoặc trong Hiến pháp, hoặc trong những đạo luật về tổ chức. Nếu cấm thì phải nhân danh cái gì, căn cứ đạo luật nào quy định thì mới được”, Chủ tịch nước nói rõ.

Với mong muốn cử tri, báo chí phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của mình, Chủ tịch nước chia sẻ: “Làm gì cũng sợ hết thì chịu thôi, tôi cũng chịu thôi. Làm gì chỉ cần căn cứ vào việc Đảng có chủ trương không? Nhà nước có luật lệ không? Còn đồn thổi gì đó mà cứ ngồi sợ thì tôi biết thế nào được. Xã hội này không phải dưới sự trị vì của những người đồn thổi. Lần trước tôi đã nói, rồi có anh em gọi điện cho tôi hỏi sao nói dữ vậy, tôi trả lời nói vậy là không có gì dữ cả. Một người có thể trù úm, mươi người có thể trù úm nhưng cả đất nước này, cả dân tộc này thì sao lại sợ? Tôi biết có người thân cô thế cô từng bị trù úm. Cá nhân anh em chúng tôi trong quá trình làm cách mạng cũng đã từng bị. Mà có chết chóc gì đâu. Mình có khuyết điểm gì đâu, kỷ luật mình, đuổi mình ra khỏi Đảng, đâu có được. Cao lắm công cụ của người đó là không cho mình lên chức lên lương thôi. Mình đừng có thèm những thứ đó, thì người ta không thể dùng công cụ để khống chế mình. Những ai mà tham những thứ đó thì dễ bị khống chế”.

Chỉ kêu gọi?



Tôi có nghe đồn thổi là ông A, ông B, ông C nào đó ra lệnh cấm đoán. Như vậy là không có quyền. Ai đó có thẩm quyền riêng thì thẩm quyền đó phải được quy định trong điều lệ Đảng hoặc trong Hiến pháp, hoặc trong những đạo luật về tổ chức.

Nếu cấm thì phải nhân danh cái gì, căn cứ đạo luật nào quy định thì mới được


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 

Viết trên mạng cá nhân, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Văn Bồng tỏ ra chưa hài lòng về những phát ngôn của Chủ tịch nước.

Ông Bồng ghi nhận đây là lần thứ tư trong năm 2012 vị chủ tịch bay vào TP. HCM tiếp xúc với cử tri.

Nhưng tác giả cho rằng Chủ tịch nước “không trả lời thẳng vào các thắc mắc, không lý giải được gì những điều trăn trở”.

Ông cho rằng “lòng dân mong ngóng một cuộc cách mạng ngay trong nội bộ Đảng cầm quyền”.

Nhưng “chẳng có một điều luật, quy định nào phải bị lôi ra để kỷ luật, xử lý ai cả”, tác giả phê phán.

Hôm 25/11, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng tiếp xúc với cử tri ở TP. HCM để nghe về văn hóa từ chức và tình trạng tham nhũng tràn lan.

Nợ công hiện đã chiếm 57% GDP rồi

Giải tỏa băn khoăn của cử tri về vấn đề quy định kê khai tài sản của cán bộ, Chủ tịch nước cho rằng đây không phải là chủ trương mới, quan trọng là làm sao để chủ trương này có giá trị trên thực tế.

Trước chất vấn của cử tri về lương cán bộ, công chức xã, phường không đủ nuôi sống bản thân, Chủ tịch nước trả lời: “Chúng tôi đã nhận biết được vấn đề này. T.Ư đang tổng kết việc tổ chức bộ máy từ T.Ư đến cơ sở để tính toán lại đề án cải cách tiền lương cho hợp lý hơn trong thời gian tới. Với số lượng bộ máy và ngân sách hiện nay thì không thể nào tăng tiền lương thêm được. Cũng không thể nào đi vay để bổ sung vào quỹ tiền lương. Nếu làm thì rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ đổ vỡ ngay thôi, vì nợ công hiện đã chiếm 57% GDP rồi, nếu như tính cả khu vực doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước, Chính phủ phải chịu trách nhiệm nữa thì cũng đã xấp xỉ cơ cấu 100%, to lắm, hết sức nguy hiểm và rất khó. Nếu tăng lương theo đúng lộ trình thì thủng lưới ngân sách, không thể lo xuể”.


Theo Thanh Niên/ BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét