Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Quân đội TQ sẽ hiếu chiến hơn ?

14/11/2012- Một thế hệ các nhà lãnh đạo mới sẽ lên nắm quyền chỉ huy đội quân lớn nhất thế giới của Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ 18 này.


Quân ủy trung ương tọa lạc trên Đại lộ Trường An

Với nhiều nhân vật phải rút lui do tuổi tác, ít nhất sẽ có bảy thành viên mới sẽ vào Quân ủy Trung ương bao gồm 11 thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các vị Quân ủy viên mới này lên nắm quyền trong giai đoạn hết sức nhạy cảm đối với quân đội Trung Quốc.

Thời điểm nhạy cảm

Các lực lượng vũ trang Trung Quốc thề trung thành với Đảng Cộng sản chứ không phải với đất nước.

Các tướng lĩnh của Quân ủy trung ương không thể có quyết định đơn phương về bất kỳ hành động quân sự nào. Tuy nhiên họ có thể thể hiện quyền lực bằng cách thỏ thẻ vào tai các lãnh đạo của Đảng.

“Ảnh hưởng của các tướng lĩnh trong Quân ủy sẽ là nhân tố chính quyết định xem liệu sẽ có hòa bình hay xung đột trong khu vực này,” Giáo sư Denny Roy ở Trung tâm Đông Tây đặt ở Hawaii nhận định.

“Vào lúc này ảnh hưởng này có ý nghĩa hơn bao giờ hết bởi vì có quá nhiều vấn đề khu vực đang nằm trên lằn ranh giữa ổn định và thù địch như Biển Đông, Biển Hoa Đông, căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, tương lai của Đài Loan và khả năng va chạm của không quân và hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc,” ông nói.



Ảnh hưởng của các tướng lĩnh trong Quân ủy sẽ là nhân tố chính quyết định xem liệu sẽ có hòa bình hay xung đột trong khu vực này.


Giáo sư Denny Roy ở Trung tâm Đông Tây đặt ở Hawaii 

Ở Bắc Kinh đang có một trò chơi chính trị trà dư tửu hậu là thử dự đoán ông Hồ Cẩm Đào có bám giữ chức chủ tịch Quân ủy trung ương thêm hai năm nữa như người tiền nhiệm của ông là Giang Trạch Dân đã từng làm hay không.

Nếu ông không từ bỏ chức vụ này thì sẽ dẫn đến căng thẳng với Tập Cận Bình hoặc thậm chí thế đối đầu nhau trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao của đất nước.

Những người biết chuyện cũng đang hồi hộp dõi xem vị tướng lĩnh nào sẽ nắm lấy các ghế còn trống trong Quân ủy.

Đã có các dấu hiệu sớm cho thấy các ủy viên Quân ủy đã được lựa chọn mặc dù danh sách cuối cùng vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên, tìm cách võ đoán xem điều gì đang diễn ra trong hậu trường chuyển giao lãnh đạo quân đội Trung Quốc giống như là ‘nhìn vào chiếc hộp đen’, ông Chu Phong, phó giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh, bình luận.

Chưa từng tham chiến

Bất kể ai vào được Quân ủy thì thế hệ mới các lãnh đạo quân đội Trung Quốc sẽ khác biệt với các thế hệ trước đó về kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm quân sự, ông Bạc Trí Duyệt, một học giả đang nghiên cứu tại Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

Không giống như các vị tiền bối của mình, các tân ủy viên Quân ủy trung ương không phải là nhà cách mạng khi vào quân ngũ mà là sỹ quan chuyên nghiệp.

“Mục tiêu chính của họ là quân đội hoạt động hiệu quả chứ không phải bận tâm về chính trị và lý tưởng,” Giáo sư Denny Roy nói.

Theo yêu cầu về độ tuổi của Quân ủy trung ương, tất cả các ủy viên mới có thể là thế hệ sinh ra vào những năm 50 và có thể đã gia nhập Giải phóng quân vào cuối những năm 1960 trong giai đoạn đất nước Trung Hoa hỗn loạn trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh mới ở độ tuổi này chưa từng có kinh nghiệm chiến trường trực tiếp.



Một số nhà phân tích tin rằng việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu sẽ sinh ra quá tự tin – điều này sẽ làm cho Trung Quốc dễ có những hành động mạo hiểm hay đối đầu để khiến đối phương phải đánh trả hoặc thoái lui.


Giáo sư Denny Roy ở Trung tâm Đông Tây đặt ở Hawaii 

Chỉ có một nhân vật có khả năng vào Quân ủy trung ương là Tướng Trương Hựu Hiệp đã từng là lính ra trận trong cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam vào năm 1979.
Sự thiếu kinh nghiệm chiến sự đó có thể là khác biệt lớn nhất trong tầm nhìn của Quân ủy trung ương.

“Một số nhà phân tích tin rằng việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu sẽ sinh ra quá tự tin – điều này sẽ làm cho Trung Quốc dễ có những hành động mạo hiểm hay đối đầu để khiến đối phương phải đánh trả hoặc thoái lui,” Giáo sư Roy nhận định.
Ngoại giao quân sự

Ông Bạc Trí Duyệt thì cho rằng Quân ủy trung ương mới sẽ cần phải củng cố công cuộc hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc – biến một đạo quân thường trực lên tới 2,3 triệu người thành một lực lượng hải quân và không quân tinh xảo điều khiển được các trang thiết bị tiên tiến, bao gồm ít nhất một tàu sân bay, các máy bay chiến đấu và tàu ngầm hạt nhân do Trung Quốc tự chế.

Bên cạnh các công nghệ hiện đại, các tướng lĩnh trong Quân ủy trung ương còn phải theo đuổi các nhu cầu của ngoại giao quân sự hiện đại.

Một trong những ứng viên tiềm năng vào Quân ủy – Tướng Mã Hiểu Thiên – là người duy nhất đã từng có kinh nghiệm đáng kể xử lý các vấn đề đối ngoại của quân đội, ông Bạc cho biết.

Tất cả những người còn lại sẽ phải học cách làm việc với các đối tác ở các quốc gia khác nếu họ muốn duy trì hòa bình trong khu vực.

“Suy cho cùng, quân đội là để chiến đấu. Tuy nhiên, nếu anh có thể giải quyết bất đồng với các nước láng giềng hoặc các đối thủ tiềm tàng bằng con đường ngoại giao thì vẫn tốt hơn,” Bạc Trí Duyệt nhận định.

Nguồn: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét