06/10/2012- Theo tờ “Nhà Ngoại giao” của Nhật Bản, việc Hải quân Việt Nam sẽ được bổ sung hạm đội tàu ngầm gồm 6 chiếc Kilo mua từ Nga cho thấy Việt Nam cũng đang theo đuổi chiến lược “chống tiếp cận” và điều này khiến Biển Đông trở thành miền đất dữ đối với Hải quân Trung Quốc bất chấp họ có một tiềm lực mạnh hơn hẳn so với Việt Nam.
Bài viết “Hạm đội chống tiếp cận ngầm của Việt Nam” vừa đăng trên tờ “Nhà ngoại giao” của Nhật Bản cho rằng “đã hết thời tung hoành ngang dọc” của hải quân Trung Quốc bởi bản hợp đồng đặt mua 6 chiếc tàu ngầm diesel lớp Kilo của Nga từ phía Việt Nam ký năm 2009. Hồi tháng 8 vừa qua, chiếc Kilo đầu tiên đã được hạ thủy và theo lộ trình đến năm 2016 toàn bộ 6 chiếc tàu ngầm này sẽ được biên chế vào lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.
“Chiến thuật chống tiếp cận đang phát sinh rất nhiều phiên bản và Việt Nam cũng đang theo đuổi một phiên bản của riêng mình”, tác giả James R. Holmes, giáo sư ngành chiến lược của ĐH Hải quân Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về chiến lược biển của Trung Quốc mở đầu bài báo đồng thời nhấn mạnh rằng trong khi các phương tiện khí tài, chiến thuật chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn rất lộn xộn và thiếu hụt thì hạm đội tàu ngầm này của Việt Nam sẽ biến Biển Đông trở thành “miền đất dữ” đối với hải quân Trung Quốc bất chấp họ đang sở hữu một lực lượng mạnh hơn Việt Nam rất nhiều.
Theo tác giả bài báo, tình hình Biển Đông hiện vẫn đang trong giai đoạn khá căng thẳng bởi những tuyên bố tham lam và hành động hiếu chiến của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm gần như toàn bộ vùng biển này. Hành động này lập tức thổi bùng sự giận dữ của các quốc gia láng giềng và buộc những nước này phải tăng cường năng lực quốc phòng để bảo vệ chủ quyền của mình. Trong số những quốc gia đang bị Trung Quốc đe dọa, chiến lược phòng thủ của Việt Nam tỏ ra khôn ngoan và hiệu quả hơn cả, đặc biệt là chiến thuật “chống tiếp cận” theo kiểu Việt Nam.
“Rõ ràng, chiến thuật này của Việt Nam rất đáng để xem xét. Lực lượng chống tiếp cận hay các lực lượng phòng thủ của họ rất khó để cho đối phương có thể phá hoại. Nhờ lợi thế về địa hình, Việt Nam không cần phải rải mỏng lực lượng để chống tiếp cận từ nhiều phía. Thay vào đó họ chỉ cần “tựa lưng” để chống từ một phía. Với hạm đội tàu ngầm gồm 6 chiếc Kilo, khả năng chiến đấu trên biển của Việt Nam chưa đáng kể so với hải quân Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này hoàn thiện các khả năng chống ngầm nhưng điều đáng nói là chiến thuật chống tiếp cận của Việt Nam vừa có thể sử dụng để phòng thủ, vừa có thể sử dụng để tấn công. Với sự hỗ trợ của các tàu ngầm, Việt Nam có thể phát hiện sớm mọi cử động của hải quân Trung Quốc tại căn cứ trên đảo Hải Nam”, tác giả James R. Holmes phân tích.
Tuy nhiên, chiến thuật “chống tiếp cận” của Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn bởi khu vực này vốn đã “chật hẹp” nay trở nên chật hẹp hơn nữa bởi một số quốc gia khác trong khu vực hay thậm chí cả Ấn Độ, Trung Quốc cũng có tàu ngầm Kilo và việc phân biệt bạn – thù trở nên rất phức tạp. Nếu Việt Nam không có biện pháp phát hiện và cảnh báo sớm, tác dụng của hạm đội tàu ngầm này sẽ giảm đáng kể nhưng chỉ cần một sai sót nhỏ (tấn công nhầm), thảm họa ngay lập tức sẽ xảy ra.
Ngay sau khi bài báo này được xuất bản, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra giữa các độc giả đồng thời cũng là những người khá am hiểu về chiến lược quân sự và tiềm năng vũ khí.
Độc giả có tên John Chan cho rằng tác giả bài báo đã quá “ngây thơ và tâng bốc Việt Nam một cách quá đáng” đồng thời lạm dụng thuật ngữ “chiến thuật chống tiếp cận”. Theo John Chan, chiến thuật chống tiếp cận chỉ phát huy tác dụng khi một bên có tiềm lực yếu hơn nhưng lại sở hữu một số công nghệ độc quyền vượt trội hơn đối thủ có năng lực quân đội mạnh hơn. Điều này thể hiện khá rõ trong chiến thuật chống tiếp cận mà Trung Quốc đang sử dụng để chống lại sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Với trường hợp của Việt Nam, các tàu ngầm Kilo mà nước này sắp có hoàn toàn không nổi trội hơn so với các tàu ngầm Kilo của Trung Quốc. Kể cả khi Trung Quốc không có công nghệ chống ngầm hiện đại, quốc gia này chỉ cần mang toàn bộ số tàu ngầm của mình ra “đấu tay đôi” thì hậu quả cũng trở nên rất thảm khốc.
Ý kiến của John Chan lập tức bị rất nhiều người khác phản đối dữ dội. Độc giả có nickname CMarrine nhận xét: “Đúng là 6 chiếc Kilo của Việt Nam không thấm tháp gì so với lực lượng hải quân Trung Quốc nhưng cần phải hiểu rằng đây chỉ là một phần trong liên minh ASEAN mà họ có thể sử dụng trong trường hợp cần phải bảo vệ chủ quyền hàng hải của khu vực. Bên cạnh đó, dù có thể không đủ sức để gây thiệt hại lớn cho phía Trung Quốc nhưng hạm đội Kilo này cùng với những công nghệ quân sự lợi hại khác như tàu tấn công nhanh, tên lửa hành trình chống hạm, máy bay không người lái… đang ngày trở nên rẻ hơn và dễ mua hơn khiến cho Trung Quốc phải vô cùng do dự với ý nghĩ sử dụng vũ lực ở Biển Đông”.
Một độc giả khác có tên là Anjaan phát biểu: “Ấn Độ đang đầu tư rất mạnh vào việc phát triển các công nghệ chống ngầm và nước này đã sẵn sàng để chia sẻ với Việt Nam – một đối tác chiến lược của Ấn Độ ở châu Á”.
Độc giả có nickname Chinaman nêu ý kiến: “Với 6 chiếc tàu ngầm Kilo được trang bị những công nghệ hiện đại hơn hẳn phiên bản mà quân đội Trung Quốc đang có mà mọi người còn coi thường được sao?”.
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét