Trong bốn năm qua, quan hệ Việt – Mỹ ngày càng trở nên khăng khít, bất chấp một số chỉ trích rằng Tổng thống Mỹ “làm ngơ” vấn đề nhân quyền.
Trả lời BBC vài ngày trước cuộc bầu cử, ông Douglas Coulter, người từng phụ trách các chiến dịch tổng tuyển cử cho đảng Dân chủ ở Wisconsin và Indiana (1971-77), và dạy về tài chính ở Trung Quốc (1997-2011), nay là Giám đốc điều hành Quỹ Open Minds Foundation nói về tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Mỹ dù ai làm chủ Tòa Bạch Ốc sau bầu cử.
Douglas Coulter: Sự quan trọng của Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Mỹ rõ ràng đang gia tăng. Việt Nam trở nên quan trọng hơn hẳn so với bốn năm trước.
Lý do là sự trỗi dậy và ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Chỉ vài năm trở lại đây, chính sách đối ngoại và người dân Mỹ mới nhận ra điều này. Vấn đề rõ nhất dĩ nhiên là Biển Nam Trung Hoa, nhưng Hoa Kỳ cũng tìm kiếm cân bằng kinh tế với Trung Quốc ở châu Á.
Việt Nam sẽ đóng vai trò lớn hơn nhiều, nhưng câu hỏi là vai trò này sẽ thi hành thế nào trước sự có mặt to lớn và mạnh mẽ của Trung Quốc.
BBC: Dựa trên giao tiếp của ông với người Việt, ông thấy họ muốn gì ở Hoa Kỳ?
So với người Mỹ, người Việt nhận thức rõ và lo lắng trước sự lấn lướt của Trung Quốc hơn, đơn giản vì khoảng cách.
Do lịch sử lâu dài, người Việt cũng hiểu người Trung Quốc hơn người Mỹ, vì thế có thể nhận thức về đe dọa rõ hơn.
Nhưng lại vì khác biệt kích cỡ, người Việt sẽ không thế chống đối Trung Quốc trực tiếp và bằng vũ lực. Có quá nhiều quan hệ kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Những người Việt tôi trò chuyện đều có vẻ muốn Hoa Kỳ có mặt và ủng hộ quyền lợi của Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ không công khai yêu cầu chuyện này vì sự nhạy cảm trong quan hệ với Trung Quốc, và có lẽ Hoa Kỳ cũng không công khai khoe điều này vì cùng một lý do.
Nhưng người Việt muốn Hoa Kỳ có mặt để Trung Quốc sẽ phải đụng chạm với Hoa Kỳ khi họ xâm phạm quyền lợi của Việt Nam.
BBC: Thế khi có vấn đề với Trung Quốc, Việt Nam có thể trông chờ gì từ sự có mặt của Hoa Kỳ ở châu Á?
Hiện liên hệ ngoại giao và quân sự Mỹ - Việt cũng đã gia tăng rồi. Dù ai có thành tổng thống Mỹ, chắc chắn cũng sẽ tiếp tục xu hướng này.
Bước đi phản kích Trung Quốc đã bắt đầu ở Mỹ và sẽ chỉ đi tiếp mà thôi. Câu hỏi đặt ra là người ta làm điều này thế nào. Chắc chắn người Việt biết rõ hơn người Mỹ là chuyện này có thể nhạy cảm ra sao. Chắc chắn là sẽ có thêm ủng hộ về ngôn từ, và sự có mặt quân sự cũng gia tăng, mặc dù tôi chưa rõ về hỗ trợ kinh tế.
BBC: Nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông, Hoa Kỳ có giúp Việt Nam không?
Chắc chắn trong tình huống này, người Mỹ sẽ thông cảm với Việt Nam. Nhưng sau Iraq và Afghanistan, rồi thâm hụt ngân sách, sức mạnh quân sự và mong muốn can thiệp của Mỹ đã yếu đi.
Mặt khác, còn có câu hỏi Trung Quốc muốn đi xa tới đâu. Liệu Trung Quốc có muốn tấn công hải quân Mỹ ở Biển Nam Trung Hoa? Mỹ có muốn tấn công không? Tôi nghĩ rằng các bên đều không muốn xảy ra đối đầu.
BBC: Ông đánh giá liệu Hoa Kỳ có ảnh hưởng nào đến các chính sách của Việt Nam hay không, hay chỉ là “người quan sát”?
Tôi không rõ những gì đang diễn ra sau hậu trường. Chắc chắn có những lĩnh vực Hoa Kỳ muốn có ảnh hưởng. Nhưng ở đây, quan điểm cá nhân của tôi tác động đến câu trả lời. Tôi nghĩ đây là lĩnh vực rất nguy hiểm.
Hoa Kỳ có quyền có ý kiến, nhưng tôi nghi ngờ sự khôn ngoan khi anh muốn tác động hay tạo áp lực trong các lĩnh vực mà chính phủ Việt Nam không thiện cảm. Hiệu ứng có lẽ sẽ tiêu cực, giống như Pháp lại định gây ảnh hưởng hay áp lực lên chính phủ Mỹ.
Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp lớn. Hoa Kỳ nên rất cẩn thận. Tôi không rõ một quốc gia bên ngoài lại có thể thực sự hiểu các lực đẩy chính trị bên trong một nước khác.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét