Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Trung Quốc tăng không lực ở biển Đông

23/10/2012- Nước này vừa có động thái mới nhằm tăng cường hậu cần kỹ thuật cho chiến đấu cơ của hạm đội hải quân Nam Hải hoạt động tại biển Đông.

Ngày 22.10, Nhân Dân nhật báo đưa tin Trung Quốc vừa triển khai biệt đội di động phụ trách sửa chữa chiến đấu cơ cho hạm đội Nam Hải.

Theo đó, lực lượng hậu cần này được trang bị một trạm sửa chữa lưu động cùng hơn 10 xe hỗ trợ và nhiều thiết bị hiện đại khác.

Báo trên dẫn lời kỹ sư Kỳ Hỷ Tuyền thuộc biệt đội này cho biết: “Trước đây, một chiến đấu cơ bị hư hại trong chiến trường phải được đưa về nhà máy sửa chữa.

Bây giờ việc này có thể được thực hiện ngay tại chỗ, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tránh chiến đấu cơ bị hư hại thêm trong quá trình đưa về nhà máy”.

Ông Kỳ còn khẳng định, trạm sửa chữa lưu động trên có khả năng tự cung cấp điện và hoạt động như “nhà máy sửa chữa di động”, sẵn sàng tiến hành nhiệm vụ mọi lúc, mọi nơi.

Nhờ đó, chiến đấu cơ của hạm đội Nam Hải có thể được sửa chữa ở bất cứ sân bay nào trong khu vực mà không cần phải chuyển đến các đơn vị kỹ thuật như trước đây.

Đây là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy khả năng hoạt động của hạm đội Nam Hải.


Chiến đấu cơ Trung Quốc trong đợt diễn tập gần đây - Ảnh: Nhân Dân nhật báo

Thời gian qua, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về hoạt động diễn tập của lực lượng này. Hồi tuần trước, Nhân Dân nhật báo đưa tin hạm đội Nam Hải tập trận chống tàu ngầm. Trước đó, lữ đoàn lính thủy đánh bộ, cũng thuộc hạm đội này, tập trận tấn công đổ bộ chiếm đảo nhưng không cung cấp chi tiết cũng như địa điểm diễn ra.

Những động thái trên của Bắc Kinh diễn ra giữa lúc giới chuyên gia quan ngại tranh chấp chủ quyền trên biển Đông có thể tác động xấu đến khu vực.

Cũng trong ngày 22.10, Bộ Khoa học, Công nghệ và Cải tiến Malaysia cùng Đại học Malaysia tổ chức hội thảo quốc tế về biển Đông.

Sự kiện này sẽ diễn ra đến ngày 26.10, có sự tham gia của Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao, nhiều học giả Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Úc.

Theo thông cáo từ Đại học Malaysia, hội thảo có 10 phiên tranh luận. Trong đó có chủ đề về an ninh biển và việc phát triển Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Trong một diễn biến khác, Đại học Malaysia ngày 22.10 thông báo sẽ bắt đầu hoạt động trạm nghiên cứu biển tại bang Kelantan thuộc vùng đông bắc nước này vào năm tới.

Theo hãng thông tấn Bernama, trạm này sẽ góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của Malaysia về biển Đông.


Biển Đông trước thềm Thượng đỉnh ASEAN

Ngày 21.10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng phu nhân đến Phnom Penh, Campuchia, dự lễ viếng cựu Quốc vương nước này Norodom Sihanouk. Trong chuyến đi này, ông Lý cũng có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng chủ nhà Hun Sen để bàn về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 dự kiến diễn ra tại Phnom Penh từ 15 - 20.11. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông và người đồng cấp Hun Sen khẳng định biển Đông sẽ là một trong những nội dung chính của nghị trình. Ngoài ra, Thủ tướng Lý cũng nói rằng có những dấu hiệu tiến triển trong vấn đề này, thể hiện qua các cuộc họp gần đây giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Tờ The Strait Times dẫn lời ông nói: “Chúng ta cần tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông và hy vọng tại Thượng đỉnh ASEAN này”.

Thục Minh

(VP Singapore)


http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121023/trung-quoc-tang-...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét