Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Trung Quốc và chiến lược "lãnh địa hóa" Biển Đông

30/10/2012- Nhân cuộc hội thảo về Biển Đông do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS phối hợp với Quỹ Gabriel Péri đồng tổ chức ngày 16/10/2012, Tướng Daniel Schaeffer, một chuyên gia Pháp đã phân tích mưu đồ của Trung Quốc, đang tìm cách "lãnh địa hóa" - sanctuariser - hay độc chiếm Biển Đông. Trả lời RFI, Tướng Schaeffer cho rằng Việt Nam cần phải quốc tế hóa mạnh mẽ hơn hồ sơ này để đối phó với chiến lược của Trung Quốc.


Tướng Daniel Schaeffer tại Hội thảo về Biển Đông ở Paris ngày 16/10/2012. Trọng Nghĩa/RFI

Nghe:
Server: http://telechargement.rfi.fr.edgesuite.net

Ngày 16/10/2012, một cuộc hội thảo khoa học về tình hình Biển Đông đã mở ra tại Paris với chủ đề "Biển Đông phải chăng là một không gian khủng hoảng mới ? – Mer de Chine méridionale : nouvel espace de crise ?". Do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS phối hợp với Quỹ Gabriel Péri đồng tổ chức, cuộc hội thảo đã tập hợp được nhiều chuyên gia tên tuổi ở Pháp và châu Âu, cũng nhu thu hút đông đảo những người quan tâm đến dự thính và thảo luận.

Các bài thuyết trình rất đa dạng, đề cập đến các vấn đề pháp lý, chính trị, ngoại giao, kinh tế và đặc biệt là quân sự, liên quan đến tình hình căng thẳng hiện nay do tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các láng giềng, đặc biệt là Việt Nam. Trong số các diễn giả, có ông Daniel Schaeffer, một viên tướng người Pháp đã về hưu, từng là tùy viên quân sự tại sứ quán Pháp ở Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, hiện là chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông và châu Á. Bài thuyết trình của tướng Schaeffer đã nêu bật một chiến lược mà theo ông, Trung Quốc đang áp dụng để gọi là sanctuariser, tạm dịch là lãnh địa hóa Biển Đông, tức là độc chiếm khu vực này bất chấp chủ quyền của các nước khác.

Sau buổi hội thảo, tướng Schaeffer đã đồng ý dành cho RFI một bài phỏng vấn để giải thích rõ hơn về ý muốn chiến lược của Trung Quốc, đã bộc lộ rõ ràng qua việc chính thức tung ra tấm bản đồ 9 đường gián đoạn - bị gọi là đường lưỡi bò – khoanh vùng lãnh thổ của họ hầu như chiếm trọn vùng Biển Đông, để rồi buộc các nước khác chấp nhận, cho dù đòi hỏi của Trung Quốc bị cho là phi lý.

Trước hết, tướng Schaeffer xác định là chính qua việc quan sát các động thái hoàn toàn không có cơ sở pháp lý của Bắc Kinh liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thực thể mà họ gọi là quần đảo Trung Sa mà ông cho rằng Trung Quốc muốn lãnh địa hóa toàn bộ Biển Đông.

"Tôi đã bảo vệ quan điểm này từ hơn một năm nay, ngay từ năm ngoái, nhân Hội nghị Quốc tế về Biển Đông lần thứ III do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ở Hà Nội. Tôi đã có quan điểm này sau khi quan sát cách thức Trung Quốc biện minh cho đường 9 đoạn tại Biển Đông, tức là đường trung tuyến giữa phần mà họ cho là lãnh thổ của họ và phần thuộc chủ quyền các nước khác.

Khi xem xét hoạt động của ngành ngoại giao Trung Quốc, và nhất là các hoạt động trong lãnh vực pháp lý liên quan đến vấn đề quyền trên biển, ta thấy rằng Trung Quốc đã vạch ra chung quanh quần đảo Hoàng Sa những đường cơ sở thẳng, cứ như là đây là một quốc gia quần đảo.

Nhưng dựa vào luật biển, thì điều đó hoàn toàn không có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào được chấp nhận trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển... Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ nhì liên quan đến Trường Sa.

Khi Trung Quốc phản ứng vào năm ngoái trước công hàm của Philippines gởi đến Liên Hiệp Quốc đề phản đối các đòi hỏi của Trung Quốc liên quan đến đường 9 đoạn, Bắc Kinh đã cho hiểu rõ ý định vạch ra những đường cơ sở thẳng tương tự chung quanh Trường Sa. Tại vì trong công hàm đưa ra để phản bác các đề nghị của Philippines, Trung Quốc cho biết là đối với họ, quần đảo Trường Sa có quyền có lãnh hải, có vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế.

Cho nên, khi ta tính đến các lập luận đó, cũng như lập luận về một số bãi đá như James Shoal, hay một mỏm đá khác nằm phía Nam quần đảo Trường Sa - không thuộc quần đảo này nhưng lại ở bên trong đường 9 đoạn - và khi ta nhìn những sự cố liên quan đến bãi Scarborough, thì tất cả những yếu tố đó đều nhằm mục tiêu « vật thể hóa », tức là cụ thể hóa các đòi hỏi căn cứ theo đường 9 đoạn đó

Thêm vào đó, vào hạ tuần tháng Sáu vừa qua (23/06/2012), tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc CNOOC đã kêu gọi các tập đoàn quốc tế đấu thầu để cùng với họ thăm dò, khai thác 9 lô nằm ở ngoài khơi Việt Nam, trong vùng đặc quyền kinh tế kinh tế của Việt Nam, nhưng lại thuộc một vùng lãnh thổ mà Trung Quốc cho là của họ. Đây là một điều đáng sửng sốt vì 9 lô đó nằm ở ngoài khơi ngang tầm với Đà Nẵng.

Theo tướng Schaeffer, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên cái mà họ gọi là « Trung Sa Quần đảo » còn phi lý hơn nữa.

"Thêm vào đó, nếu đi ngược lên phiá Bắc, ta thấy cái mà Trung Quốc gọi là Trung Sa Quần đảo mà quốc tế quen gọi là bãi Macclesfield. Đây là một bãi ngầm, không bao giờ nổi lên trên mặt nước kể cả khí thủy triều thấp. Dó đó, trong mọi trường hợp, bãi này không có quyền có lãnh hải, và lại càng không có quyền hưởng khu đặc quyền kinh tế. Trung Quốc cũng có đòi hỏi tương tự đối với một bãi ngầm khác là Truro Shoal.

Do việc bãi Truro, cũng như bãi Macclesfield, đều không thể có được một vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải, cho nên Trung Quốc đã gộp hai thực thể này với bãi ngầm Scarborough nằm về phía Philippines, và gọi tập hợp đó là « quần đảo Trung Sa, một loại quần đảo hoàn toàn tưởng tượng không hơn không kém.

Chung quanh đó hiện giờ họ chưa vẽ đường cơ sở thẳng nào, cũng chưa nói đến khả năng đó, nhưng ta có thể suy đoán về việc đó dựa vào những gì xẩy ra trước đây. Giữa quần đảo Hoàng Sa và cái gọi là Trung Sa rất có thể có một sự liên tục về mặt pháp lý, điều đó sẽ cho phép Trung Quốc vạch một đường cấm bược tàu chiến đi qua khu vực phải dừng lại.

Dù sao đi nữa, Trung Quốc hiện đang áp dụng ở vùng đặc khu kinh tế của họ những quy định dùng cho vùng lãnh hải trên vấn đề quyền qua lại một cách vô hại của tàu chiến, có nghĩa là tức là mỗi khi đi qua vùng lãnh hải của Trung Quốc, tàu chiến các nước khác phải xin phép. Phải nói thêm là không chỉ có Trung Quốc, mà Việt Nam, Indonesia cũng áp dụng quy tắc như vậy.

Vấn đề là Trung Quốc lại muốn áp dụng quy tắc kể trên cho vùng biển bên trong đường 9 đoạn được họ coi là vùng đặc quyền kinh tế. Điều đó có nghĩa là khi muốn thì Trung Quốc có thể cấm tất cả các tàu chiến nước ngoài vượt qua đường lưỡi bò đó.

Cho đến nay, các nhà quan sát đã nói rất nhiều về mục tiêu kinh tế của Trung Quốc trong việc tìm cách độc chiếm Biển Đông, tức là để chiếm đoạt nguồn dầu khí được cho là dồi dào trong khu vực. Tuy nhiên, như tướng Schaeffer đã phân tích ở trên, vấn đề quân sự là một nhân tố tối quan trọng. Và việc lãnh địa hóa Biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh triển khai hạm đội tàu ngầm của họ một cách an toàn hơn, dự phòng khi phải tấn công vào Mỹ. Ông giải thích :

"Khi nhìn trên bản đồ, ta thấy ở Tam Á (phía Nam đảo Hải Nam) có căn cứ hải quân nơi Trung Quốc đặt các tàu ngầm phóng tên lửa của họ

Giữa căn cứ Tam Á này và vùng sâu đầu tiên ở Biển Đông, nơi mà các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc có thể tuần tra một cách yên ổn, là một khoảng cách dài 430 cây số. Bất kỳ một phi cơ trinh sát nào cũng có thể phát hiện ra tầu ngầm Trung Quốc khi các con tàu này rời cảng và đến nơi tuần tra hay đi xa hơn nữa, ra Thái Binh Dương, lúc các con tàu này đi qua eo biển giữa đảo Luzon của Philippines và vùng phía Nam Đài Loan.

Hơn nữa tàu ngầm loại Tấn (Jin), tức là tàu nguyên tứ phóng tên lửa thế hệ hai hiện nay của Trung Quốc lại rất ồn, do đó rất dễ phát hiện. Cho nên cũng dễ hiểu lý do tại sao Trung Quốc muốn biến cả vùng này thành một lãnh địa của riêng họ.

Ngoài ra, dù muốn hay không, dù có nêu rõ hay không, mục tiêu của Trung Quốc không phải tấn công Mỹ mà là tự bảo vệ mình trước Mỹ, mà muốn tự bảo vệ đối với Mỹ, thì phải làm sao để có thể đưa tàu ngầm của họ đến được nơi mà mục tiêu Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa phóng đi từ tầu ngầm của họ. Hiện nay, hoả tiễn Cự Lãng (Julang) của Trung Quốc chỉ có tấm bắn 8000 cây số, chưa có khả năng bắn đến Mỹ từ Biển Đông…

Nhìn chung, đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn lãnh địa hóa vùng Biển Đông, Trung Quốc cũng không thể chuyển dịch căn cứ tàu ngầm lên phía Bắc, vì Biển Hoa Đông có một thềm lục địa chạy dài đến tận hố Okinawa, không xa bờ biển Nhật Bản lắm, do dó tầu ngầm Trung Quốc khó có thể che giấu hành tung.

Tóm lại nơi kín đáo nhất, hay ít lộ liễu nhất, đối với tàu ngầm Trung Quốc chính là ở phiá Nam, nơi mà họ đang đặt căn cứ Tam Á.

Đấy là tất cả những lý do khiến tôi cho là Trung Quốc muốn lãnh địa hóa, tức là độc chiếm vùng Biển Đông.

Theo tướng Schaeffer, ông không phải là chuyên gia duy nhất nghĩ rằng Trung Quốc muốn lãnh địa hóa vùng Biển Đông. Hiện nay có nhà phân tích đã so sánh chiến lược Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông với chủ trương Liên Xô trước đây, thiết lập “tiền đồn” tại vùng biển Okhostsk và Barents; người khác thì nói là Trung Quốc đang thực hiện học thuyết Monroe theo kiểu Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam phải làm gì trước chiến lược đó của Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam đang ở trên tuyến đầu. Theo tướng Schaeffer, trong lãnh vực chống lại đường lưỡi bò của Trung Quốc, Việt Nam không lẻ loi, và cần phải vận động, từ khối ASEAN cho đến các nước khác

"Theo tôi thì trước tiên hết Việt Nam không đơn độc. Giờ này thì cả Việt Nam lẫn Philippines đang ở trên tuyến đầu, sắp tới đây tôi cho rằng sẽ đến lượt Indonesia và Malaysia. Vấn đề theo tôi trước hết là giữa các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á cần phải có một sự đoàn kết, phải thu hút sự chú ý của quốc tế trên thực tế là các đòi hỏi của Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp chút nào với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Cần phải thu hút sự chú ý không chỉ của Hoa Kỳ - nhưng Hoa Kỳ dư biết chuyện này rồi – mà cả của các nước khác trong vùng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Liên Hiệp Châu Âu, thậm chí cả các nước châu Mỹ La tinh nữa vì lẽ Biển Đông là một vùng có rất nhiều tuyến hàng hải cực kỳ quan trọng đi qua, và nếu bị Trung Quốc ngăn chặn thì rất phiền.

Dĩ nhiên là Trung Quốc lúc nào cũng thề thốt là họ sẽ không bao giờ ngăn cấm lưu thông hàng hải vân…vân, nhưng mà khi một nước nào có quyền thống trị trên một khu vực, thì ngay cả khi có những lời hứa ngon ngọt, một ngày nào đó mà họ không thích nữa thì họ hoàn toàn có thể cấm tàu bè nước khác qua lại.

Bản thân tôi, tôi không bao giờ tin tưởng vào các cam kết đó của Trung Quốc, cho dù suy cho cùng họ không có lợi lộc gì về mặt kinh tế khi cấm lưu thông hàng hải trên Biển Đông, nhưng điều đó không cấm cản ta đưa ra những giả thuyết, và trong một số trường hợp, giả thuyết về tình huống tệ hại nhất…

Tóm lại, cộng đồng quốc tế cần được hiểu là một ngày nào đó, nếu xảy ra sự cố trong vùng đó, thì không chỉ các nước trong vùng gặp vấn đề, mà tất cả các nước có giao thương với khu vực sẽ bị khó khăn.

Do đó cần phải thuyết phục Trung Quốc cho bằng được là họ phải chấp nhận thương thảo vấn đề chủ quyền trên Biển Đông trên cơ sở Luật biển quốc tế. Nếu cần thì phải đưa ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, cho dù phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị thủ tục hồ sơ – một số người đã nêu ra vấn đề này, nhưng theo tôi thì tranh chấp Biển Đông đã kéo dài cả 60 năm nay rồi, cho nên năm, mười năm chẳng thấm vào đâu…

Theo tướng Schaeffer, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực quốc tế hóa vấn đề. Cho đến nay, Bắc Kinh luôn chống lại điều này vì biết rõ rằng mình bị đuối lý trong lãnh vực pháp lý. Trong những ngày qua, học giả Trung Quốc và Đài Loan loan báo ý định hợp lực với nhau để nghiên cứu cơ sở pháp lý của tấm bản đồ lưỡi bò. Trả lời câu hỏi của RFI về điểm này, tướng Schaeffer không hề ngạc nhiên vì theo ông, trên hồ sơ Biển Đông, Trung Quốc và Đài Loan cùng chung một chiến tuyến :

"Rõ ràng là khi bị tấn công trên vấn đề pháp lý của đường 9 đoạn thì họ phải tìm mọi cách để biện minh. Ở đây tôi rất tâm đắc với câu hỏi của ông vì cho đến nay, khi nói đến tranh chấp Biển Đông, báo chí quốc tế thường liệt kê Đài Loan và các nước Đông Nam Á trong phe những nước chống lại đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Thế nhưng, trong trường hợp Biển Đông, Đài Loan hoàn toàn không đứng về phía các nước Đông Nam Á mà là về phía Trung Quốc, Do đó, trong vấn đề này, phải nói rõ là Đài Loan và Trung Quốc cùng đứng chung chiến tuyến trong cuộc chiến bảo vệ đường 9 điểm !

Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét