Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Việt, Nga nâng cấp hợp tác quân sự - kỹ thuật, chế tạo vũ khí

19/10/2012- Tổng Thống Nga Vladimir Putin ngày 17/10/2012 chỉ thị nâng mức độ hợp tác quân sự giữa Nga và Việt Nam lên trên các thương vụ mua bán quân sự thông thường.


Tàu tuần lớp Molniya đánh số HQ-377 và HQ-378 đóng gần xong ở xưởng đóng tàu Ba Son, Tp. Hồ Chí Minh, đang ráp tên lửa. (Ảnh: quhuongngaymai.com)

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) hôm Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012, loan tin về cuộc họp Ủy ban Hợp Tác Quân Sự-Kỹ Thuật của Nga ở Moscow hôm Thứ Tư vừa qua, trong đó ông Putin chỉ thị nâng quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật với các nước trong BRICS (Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nam Phi) và Việt Nam lên một mức độ mới.

Nguồn tin giải thích theo lời ông Putin là mối quan hệ giữa khối BRICS cùng với Việt Nam “sẽ chuyển từ quan hệ buôn bán thông thường sang hợp tác nghiên cứu-sản xuất-chế tạo vũ khí và trang thiết bị quân sự, thành lập các trung tâm dịch vụ, bảo hành và nâng cấp vũ khí, hợp tác xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự sang thị trường các nước thứ ba.”

Hồi tháng 7 vừa qua, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nga, hai nước đã ký một số thỏa hiệp, trong đó có thỏa hiệp về hợp tác khoa học và công nghệ nhưng tránh nói chi tiết về hợp tác quốc phòng, quân sự.

Nga đã thỏa thuận cho Việt Nam đóng hai loại tàu tuần nhỏ, trong đó có 4 tàu tuần duyên 500 tấn Molniya trang bị hỏa tiễn. Hai chiếc đã gần hoàn tất tại xưởng đóng tàu Ba Son ở Tp. Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 2-2012, Đài tiếng nói nước Nga đưa tin: Với sự giúp đỡ của Nga, Việt Nam đưa vào sản xuất tổ hợp tàu “Uran” có trang bị tên lửa hành trình "X 35" tầm bắn 300km trong năm 2012 và "thỏa thuận cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất tại Việt Nam tên lửa chống hạm Yakhont" (Loại tên lửa chống hạm tên tiến với tầm bắn 120 đến 300 km tùy thuộc vào độ cao, Vận tốc đạt mach 2,5).

Hầu hết các loại trang bị tàu chiến, máy bay của Việt Nam đều do Nga sản xuất. Một phần hợp với khả năng tài chính và các điều kiện thanh toán.



Mối quan hệ giữa Nga với khối BRICS cùng Việt Nam "sẽ chuyển từ quan hệ buôn bán thông thường sang hợp tác nghiên cứu-sản xuất-chế tạo vũ khí và trang thiết bị quân sự, thành lập các trung tâm dịch vụ, bảo hành và nâng cấp vũ khí, hợp tác xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự sang thị trường các nước thứ ba".


Tổng thống Nga Putin 

Một ngày sau khi có lời ông Putin phát biểu, Tướng Trương Quang Khánh, thứ trưởng Quốc Phòng VN cầm đầu một phái đoàn họp với cơ quan liên bang Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật.

TTXVN không đưa ra chi tiết nào về những gì được hai bên thảo luận ở Moscow mà chỉ nói mơ hồ “sự hợp tác quân sự-kỹ thuật Việt Nam-Liên Bang Nga đang góp phần hữu hiệu để Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ an ninh và chủ quyền của mình, đồng thời đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.”

"Hai bên đã bàn các biện pháp và phương hướng đẩy mạnh quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật Việt Nam-Liên Bang Nga trong thời gian tới nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.”

Báo Thanh Niên ngày 19/10/2012 cho hay: Theo Tổng thống Putin, Việt Nam là một trong những đối tác lâu dài, đáng tin cậy của Nga và 2 nước đang hợp tác hữu hiệu trong lĩnh vực quân sự - kỹ thuật. Ông cũng đánh giá Ấn Độ và Trung Quốc là những đối tác chủ chốt. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền khi Nga tăng cường hợp tác quân sự - kỹ thuật với nước ngoài.

Theo thống kê của cơ quan xuất cảng võ khí của Nga Rosoboronexport, cuối năm 2009, Việt Nam đặt hàng của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo trị giá $2.4 tỉ USD. Chiếc đầu tiên đã đóng xong và dự trù bàn giao vào đầu năm 2013, sau đó mỗi năm một chiếc còn lại.

Hãng thông tấn Nga Ria Novosti lập thống kê nói trong 4 năm (2008-2011), khối lượng hàng quân sự Nga bán cho Việt Nam trị giá $1.879 tỷ USD, chiếm 6.3% tổng kim ngạch xuất cảng võ khí của Nga.

Với con số đó, Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách khách hàng nhập cảng võ khí Nga nhiều nhất, xếp sau Ấn Ðộ ($8.214 tỷ USD), Algeria ($4.749 tỷ USD), Trung Quốc ($3.527 tỷ USD) và Venezuela ($1.974 tỷ USD).

Năm 2011, kim ngạch xuất cảng võ khí Nga sang Việt Nam đạt kỷ lục $1.372 tỷ USD nhờ việc thực hiện một loạt chương trình bán máy bay Sukhoi SU30-MK2 và hai hộ tống hạm lớp Gepard.

Trong 4 năm tới (2012-2015), Ria Novosti nói, theo lượng đơn đặt hàng hiện đang có, Việt Nam sẽ xếp thứ tư trong số các nước mua võ khí Nga nhiều nhất. Khối lượng võ khí Nga bán cho Việt Nam dự báo cho giai đoạn 2012-2015 ước lượng $2.463 tỷ USD, chiếm 7.6% tổng kim ngạch xuất cảng võ khí Nga.

Vẫn theo nguồn tin này, lượng võ khí Nga xuất cảng tới Việt Nam tính theo năm dự báo là $413 triệu USD vào năm 2012, khoảng $523 triệu USD cho năm 2013, khoảng $768 triệu USD cho năm 2014 và khoảng $758 triệu USD vào năm 2015.

Ðây chỉ tính đến loại võ khí, không kể việc xây dựng, trang bị hạ tầng các cơ sở quân sự, xây dựng các trung tâm dịch vụ và huấn luyện, thí dụ xây dựng căn cứ đồn trú và bảo trì cho đội tàu ngầm Kilo.

Theo Người Việt/ Thanh Niên và tin tổng hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét