Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Đoàn Việt Nam thăm tàu sân bay USS George Washington

21/10/2012- Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nhận lời mời của Đại sứ quán Mỹ, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM Nguyễn Hồng Lĩnh ngày 20.10 dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh quân sự TP.HCM và UBND TP.HCM ra thăm tàu sân bay USS George Washington tại vùng biển quốc tế gần Việt Nam, Báo Thanh Niên cho hay.


Trên tàu sân bay USS George Washington (ảnh: internet)

Đây là một phần trong chương trình các hoạt động thường niên trên biển của tàu này. Chuyến thăm của phái đoàn Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng và tăng cường củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực.

Báo Tiền Phong nói: Ngôi sao của Hạm đội 7 Mỹ USS George Washington đón đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam đến thăm, khi con tàu qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam lần thứ ba trong ba năm.

Mỗi vị khách thăm tàu đều được cấp một chứng chỉ ghi rõ ngày lên tàu, vị trí của tàu khi đó. USS George Washington đã thăm Malaysia trước khi đi qua vùng biển gần Việt Nam. Dự kiến hàng không mẫu hạm này sẽ đến thăm Philippines từ ngày 24 -10.

RFI dẫn tin AP cho biết: Chuyến hải hành lần này của hàng không mẫu hạm USS George Washington chắc chắc sẽ khiến Bắc Kinh bực tức, nhưng hành động này được coi là nhằm tái khẳng định sự yểm trợ của Hoa Kỳ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Hãng tin AP trích dẫn nhận định của ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm Đông – Tây tại Hawai, cho rằng « Trung Quốc sẽ xem hành động này như là biểu hiện mới cho ý muốn của Mỹ duy trì thế thượng phong ở khu vực. Về phần mình, Hoa Kỳ cũng muốn nhắn gởi các nước trong khu vực rằng họ sẽ hiện diện lâu dài ở đây và muốn yểm trợ cho việc tuân thủ công pháp quốc tế ».

Theo AP, Việt Nam hài lòng nhận sự trợ giúp từ quốc gia cựu thù Hoa Kỳ như một rào chắn trước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Hà Nội đã phản ứng giận dữ khi Bắc Kinh thành lập một đơn vị quân sự đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Washington cũng đã chỉ trích hành động này của Bắc Kinh.

Hoạt động này, theo AP, 'sẽ trấn an Việt nam và Philippines về sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng có thể khiến Trung Quốc bực mình".

Hoa Kỳ đang thực thi chiến lược chuyển dịch về Á châu, được cho là nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Việt Nam đã cử các đoàn quan chức ra thăm tàu USS George Washington hai lần trong hai năm 2010, 2011 khi tàu này vào gần vùng biển Việt Nam.

Mặc dù đa số các nhà phân tích nghĩ rằng sẽ khó mà bùng nổ xung đột quân sự ở Biển Đông, nhưng theo họ, căng thẳng ở vùng này sẽ gia tăng do Trung Quốc tiếp tục xác quyết chủ quyền biển đảo và tăng cường lực lượng hải quân của họ.

Sức mạnh quân sự Mỹ tại Đông Nam Á

Dù đồn trú theo dạng bán thường trực, nhưng hải quân Mỹ đang hiện diện tại Đông Nam Á như một thế lực hùng mạnh.

Hôm qua, tờ Manila Standard Today đưa tin siêu hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington sẽ đi qua vùng biển gần bãi cạn Scarborough rồi neo đậu gần vịnh Manila vào ngày 24.10 để viếng thăm Philippines trong 4 ngày. Ngoài ra, Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ xác nhận hoạt động trên là một phần trong chương trình tuần tra của hàng không mẫu hạm này tại biển Đông.

Nhìn lại thời gian qua, dù có cảng nhà đóng tại Nhật Bản thuộc khu vực Đông Bắc Á, nhưng tàu sân bay USS George Washington liên tục di chuyển tại vùng biển Đông Nam Á. Hồi đầu tháng, chỉ vài ngày sau khi hiện diện tại vùng biển gần Nhật Bản, chiếc USS George Washington bất ngờ cập cảng Malaysia để viếng thăm chủ nhà. Với mật độ xuất hiện như thế, hàng không mẫu hạm này dường như đang trở thành một căn cứ quân sự nổi bán thường trực của Mỹ tại vùng biển Đông Nam Á.

Siêu căn cứ nổi

Sử dụng năng lượng hạt nhân cho phép hoạt động suốt 20 năm mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, hàng không mẫu hạm USS George Washington có độ choán nước hơn 100.000 tấn, theo tài liệu từ hải quân Mỹ. Mặc dù không được trang bị nhiều vũ khí nhưng tàu sân bay này là một căn cứ không quân di động đích thực khi thường xuyên chở theo hơn 80 máy bay. Trong đó, phần lớn là chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18 Super Hornet nhanh hơn 1,8 lần tốc độ âm thanh, tầm bay 2.300 km và có bán kính chiến đấu xấp xỉ 750 km.

Chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet được trang bị pháo 6 nòng 20 mm và có thể mang theo 6 loại tên lửa đối không khác nhau hoặc tên lửa chống tàu chiến Harpoon tầm bắn 120 km. Ngoài ra, máy bay này còn có thể khai hỏa với 5 loại tên lửa tấn công mặt đất. Trong đó có: tên lửa hành trình Taurus tầm bắn 500 km, tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh AGM-154 tầm bắn tối đa 130 km cùng một số loại tầm bắn trên 100 km. Bên cạnh các loại bom thông thường, chiến đấu cơ F/A-18 Hornet được thiết kế để thả bom hạt nhân chiến thuật B61.

Trong những hoạt động tuần tra thông thường, lực lượng máy bay trên tàu sân bay USS George Washington thực hiện khoảng 100 lần cất và hạ cánh mỗi ngày, tương đương 50 cuộc xuất kích. Nếu thực sự tham chiến, số lượng xuất kích sẽ tăng lên rất nhiều. Tất nhiên, hàng không mẫu hạm USS George Washington còn mang theo các loại máy bay khác như máy bay do thám, máy bay cảnh báo, trực thăng chiến đấu, trực thăng săn tàu ngầm… Kết hợp các khí tài trên, tàu sân bay này thực sự là một căn cứ nổi cho phép tiến hành tấn công những mục tiêu khác nhau từ khoảng cách hơn 1.200 km. Theo đó, hàng không mẫu hạm USS George Washington có thể bao phủ một khu vực tác chiến rộng hơn 3 triệu km2, gần tương đương diện tích cả biển Đông.

Đó là chưa kể đến các tàu khu trục hiện đại và một số chiến hạm thường xuyên song hành hộ tống tàu sân bay này.

Quay lại Subic

Trong một diễn biến khác gần đây, Mỹ đã quay lại thiết lập căn cứ hải quân bán thường trực tại cảng Subic của Philippines. Đó là điều mà báo The Diplomat hồi đầu tuần dẫn lời giới chức hai nước xác nhận. Vào tháng 6, tờ The Philippine STAR từng dẫn tin từ giới chức quốc phòng Phlippines cho hay Manila có thể sẽ cho phép Washington tái sử dụng căn cứ hải quân Subic và cơ sở không quân Clark tại nước này. Thực tế, diễn biến trên đã được truyền thông quốc tế dẫn lời giới chuyên gia nhận định kể từ khi tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS North Carolina bất ngờ cập cảng Subic vào ngày 15.5. Sau đó, Washington liên tục xuất hiện tại đây. Tối 25.6, tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Louisville lại ghé cảng này. Mới nhất, 7 tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu đổ bộ chở máy bay cùng khu trục hạm và tàu ngầm, cập bến Subic để tham gia tập trận chung với nước chủ nhà.

Trong quá khứ, cảng Subic từng thuộc nhóm các căn cứ quân sự hải ngoại lớn nhất của Washington. Tại thời điểm cao trào hồi thập niên 1960, Mỹ đã đồn trú hơn 40 chiến hạm ở căn cứ này. Cơ sở hạ tầng của cảng Subic cho phép nó trở thành căn cứ cho hầu hết các loại chiến hạm hiện đại nhất. Vì thế, bằng cách hoạt động bán thường trực, Washington có thể nhanh chóng điều động tàu chiến từ nhiều nơi để quy tụ về Subic bất cứ khi nào cần thiết.


Lực lượng khẩn cấp từ Singapore

Ngoại trừ các lực lượng trên, Washington còn hiện diện tại vùng biển Đông Nam Á bằng cách triển khai 4 chiến hạm cận bờ (LCS) đồn trú luân phiên ở Singapore. Vào đầu năm 2013, chiếc đầu tiên trong số này sẽ có mặt tại đảo quốc sư tử. LCS của Mỹ gồm 2 lớp tàu chính là Independence và Freedom. Cả hai loại này đều được chế tạo để phục vụ tác chiến gần bờ, đặc biệt là chiến thuật chống tiếp cận, nhấn mạnh khả năng chiến phi đối xứng trước máy bay tiêm kích, tàu ngầm... Vì thế, LCS được phát triển với các cụm trang thiết bị dễ dàng “tháo lắp”, linh động theo từng nhu cầu cụ thể như chống ngư lôi, chống tàu ngầm hoặc chống tàu chiến nổi. Cả hai lớp tàu Freedom và Independence đều được trang bị pháo 57 mm, tên lửa đối không, chở theo 2 trực thăng chiến đấu đa nhiệm MH-60 Seahawk, trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.

Trong đó, 2 chiếc MH-60 Seahawk có khả năng tác chiến đối không lẫn chống chiến hạm và tàu ngầm. Ngoài ra, dòng máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout cũng đang được phát triển thêm phiên bản tấn công mặt đất và tàu chiến.

Hơn thế nữa, 2 loại LCS này đạt tốc độ đến 44 hải lý/giờ (80 km/giờ) và tầm hoạt động trên 3.500 hải lý (6.400 km). Với ưu điểm này, các tàu Freedom và Independence đồn trú luân phiên tại Singapore thừa sức nhanh chóng hiện diện tham chiến tại nhiều vùng biển ở Đông Nam Á. Điển hình, chúng có thể chỉ mất khoảng 12 giờ để tiến vào khu vực biển Đông khi cần thiết.

Vì vậy, nhờ vào khả năng triển khai linh hoạt và sức tác chiến cao, các chiến hạm Mỹ bán thường trực ở Đông Nam Á giúp Washington hình thành lực lượng hùng mạnh tại đây.

Theo Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét