Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ thăm Việt Nam

24/10/2012- Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ đã có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Ông Mạnh Kiến Trụ nói rằng cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng của sự phát triển, hai bên cần tăng cường đoàn kết, hợp tác sâu sắc hơn nữa, tìm giải pháp hợp lý để giải quyết những vấn đề nhạy cảm giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam phát triển lành mạnh và ổn định.


Ông Mạnh Kiến Trụ cũng lưu ý rằng trong những năm gần đây giữa hai nước liên tục hợp tác sâu sắc hơn trong lĩnh vực thực thi pháp luật, đạt được hợp tác thành công trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia, nhập cư bất hợp pháp và các lĩnh vực khác. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt đến sự đồng thuận quan trọng về tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh, ủy viên Quốc vụ Trung Quốc cho biết. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng với nỗ lực chung, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thực thi pháp luật sẽ tiếp tục gia tăng, với tư cách là một sự đảm bảo của sự phát triển, ổn định và thịnh vượng của cả hai nước.

Đến lượt mình, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý rằng sự phát triển hợp tác hữu nghị với Trung Quốc là một ưu tiên của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong chính sách đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để đạt sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo của hai nước thông qua các cuộc đàm phán để giải quyết các bất đồng một cách hợp lý, bảo vệ và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết hợp tác của Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực thực thi pháp luật ảnh hưởng tích cực đến việc bảo vệ tự phát triển và ổn định của cả hai nước. Hai nước cần tăng cường hơn nữa và cải thiện cơ chế hợp tác để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau cho sự phát triển của quan hệ song phương, ông Nguyễn Tấn Dũng nói thêm.

BBC cho hay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa tiếp Bộ trưởng Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ hiện đang có chuyến thăm chính thức ba ngày đến Việt Nam hôm thứ Tư ngày 24/10.

Trước đó, ông Mạnh Kiến Trụ, người còn là Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng đã gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và có buổi làm việc với người tương nhiệm phía Việt Nam, Tướng Trần Đại Quang.

Chuyến thăm Việt Nam này của ông Mạnh có mục đích trên danh nghĩa là đồng chủ trì một hội nghị về hợp tác phòng chống tội phạm giữa hai nước.

Điều đáng lưu ý là Việt Nam vừa trải qua một hội nghị trung ương của Đảng Cộng sản nhiều sóng gió mà Thủ tướng Dũng được cho là đã thoát án kỷ luật một cách ngoạn mục, theo các hãng thông tấn nước ngoài.

Trong khi đó, chỉ còn hơn hai tuần nữa là Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu Đại hội lần thứ 18 để chuyển giao thế hệ lãnh đạo.

Ông Mạnh cũng được giới phân tích nhìn nhận là một trong ứng cử viên vào Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của Trung Quốc.

Không rõ ông Trọng có chuyển đến các đồng chí Trung Quốc thông điệp gì nhân Đại hội 18 hay không. Thông tấn xã Việt Nam chỉ dẫn lời ông Trọng chúc Đại hội thành công tốt đẹp và gửi lời ‘thăm hỏi thân thiết’ đến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo khác của Trung Quốc.

Tổng bí thư Trọng cũng được dẫn lời nói với vị khách Trung Quốc rằng mặc dù quan hệ hai nước thời gian ‘gặp một số khó khăn’ nhưng vẫn tiếp tục được phát triển.
Theo ông Trọng thì chỉ cần hai bên ‘quán triệt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng’ và ‘thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận đã đạt được’ thì mối quan hệ song phương ‘nhất định phát triển theo đúng phương hướng đã định’.

Bất đồng trên biển

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại với Tướng Mạnh rằng Việt Nam và Trung Quốc là ‘láng giềng tốt’ và có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, theo tường thuật của hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã.

Ông cũng bày tỏ mong muốn hai nước giải quyết khác biệt thông qua đàm phán và tham vấn.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Tấn Dũng nói với ông Mạnh Kiến Trụ rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam "luôn coi trọng mối quan hệ với Bắc Kinh" và hứa sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ này.

Tuy nhiên ông cũng đề cập đến ‘khác biệt về vấn đề trên biển’ là vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương và kêu gọi hai nước giải quyết bất đồng ‘trên tinh thần đồng chí, anh em’ và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Mạnh Kiến Trụ đáp lại rằng hai bên cần đàm phán để tìm ra giải pháp ‘thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được’ để vấn đề Biển Đông không ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hai nước.

Còn trong hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm do hai bộ trưởng công an đồng chủ trì trước đó, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để trấn áp các loại tội phạm xuyên biên giới như khủng bố, vận chuyển vũ khí, buôn người và các loại tội phạm kinh tế.
Hai Bộ Công an cũng cam kết sẽ cùng nhau ‘đấu tranh với các hoạt động phá hoại, gây chia rẽ của các thế lực thù địch’.

'Ý nghĩa đặc biệt'

Trao đổi với BBC, một nhà ngoại giao giấu tên từ Hà Nội cho biết mặc dù chuyến thăm của ông Mạnh là định kỳ nhưng diễn ra vào thời điểm nhạy cảm này trong đời sống chính trị hai nước nên chắc chắn ‘có ý nghĩa gì đó đặc biệt’.

Ông nói lãnh đạo Việt Nam không nên trông mong gì từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vì ‘bất cứ ai lên lãnh đạo Trung Quốc cũng đều là tin xấu đối với Việt Nam’.

Lý do ông giải thích là bất cứ ban lãnh đạo nào của Trung Quốc cũng sẽ theo đổi đường lối trở thành siêu cường và do đó sẽ tìm cách đối phó với Việt Nam.

Tuy nhiên, khác biệt duy nhất có thể là đường lối thực hiện mục tiêu mà ông miêu tả là ‘hoặc là ôn hòa như Chu Ân Lai, hoặc là đểu cáng như Đặng Tiểu Bình’.

Do đó, ông nói phải chờ đến kết thúc Đại hội 18 và nhìn vào thành phần Thường vụ Bộ Chính trị cũng như Bộ Chính trị mới của Trung Quốc thì mới dự đoán được đường lối sắp tới của nước này là ôn hòa hay cứng rắn.

Ông cũng lưu ý một điều khác thường là gần một tháng nay chính phủ cũng như báo chí Trung Quốc hầu như im hơi lặng tiếng trên vấn đề Biển Đông mà ông cho là ‘chưa giải thích được’.

Tổng hợp từ BBC và Tiếng nói nước Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét