Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Trò chơi đánh trận gây sốt ở Đà Nẵng

10/10/2012- Nói đến súng, ai cũng... ngại, nhất là những chuyện dính dáng đến pháp luật. Ấy nhưng, đến số 7, đường Duy Tân, TP Đà Nẵng, mọi người có thể bắn, hàng chục người có thể nhằm nhau bóp cò, xả đạn mà vẫn thích thú... Nó còn được coi là sản phẩm du lịch mới độc đáo, góp phần giải “cơn khát” sản phẩm du lịch ở phố biển Đà Nẵng.

Trải nghiệm thú vị

Gần 3 tháng nay CLB súng sơn Đà Nẵng (số 7, đường Duy Tân, TP Đà Nẵng) trở thành điểm hẹn hấp dẫn với người dân, du khách. Trung bình mỗi ngày có hơn 100 người tới chơi, vào cuối tuần con số lên đến 200 người, trong đó có cả người già, thanh niên, nam, nữ.

Anh Phan Thế Đức- Phó Giám đốc Cty MDQ (đơn vị chủ quản CLB súng sơn) cho biết, bắn súng sơn là hoạt động thể thao hấp dẫn mô phỏng trò chơi đánh trận giả. Mỗi người chơi sẽ được trang bị như một “chiến sĩ” khi ra trận với các đồ bảo hộ đặc biệt như quần áo, mặt nạ và súng sơn. Súng tipmann 98 (đang sử dụng ở CLB) được bơm hơi đẩy 1,1kg, bắn xa 80m bằng đạn meteor nhập từ Hàn Quốc. Đạn này có kích thước to bằng viên bi, được làm bằng dầu thực vật trộn với bột mì bọc trong một hỗn hợp keo gelatin mềm, khi bắn vào người sẽ vỡ ra, sơn dính trên áo. Đạn này có khả năng tự phân hủy ngoài môi trường, không gây ô nhiễm và chỉ được dùng một lần, dù khi bắn ra chưa vỡ.


Sân chơi súng sơn tại Đà Nẵng được thiết kế như một chiến trường, còn người chơi được trang bị như "chiến sĩ".

Tại CLB súng sơn Đà Nẵng hiện có 2 sân, sân lớn có diện tích 3.200m2, sân nhỏ 1.600m2. Các sân được bài trí y như một chiến trường. 2 sân này có khả năng đáp ứng cùng lúc 150 người chơi, tuy vậy thường mỗi trận chỉ 20-30 người/đội (sân lớn) và 5-7 người đội (sân nhỏ). Tùy theo luật chơi (luật hồi sinh, luật sinh tử, luật bảo vệ cờ...) mà các đội sẽ có chiến thuật phù hợp để giành chiến thắng. Anh Đức cũng cho biết toàn bộ trang thiết bị sử dụng tại CLB đều do Bộ Quốc phòng quản lý. Trò chơi được nghiên cứu, thẩm định đạt tính an toàn và được Quân khu V cấp giấy phép cho CLB hoạt động.


Chơi bắn súng sơn giúp rèn luyện thể lực, phản xạ.

Sản phẩm du lịch hấp dẫn

Thú vị với trò chơi mới, chị Nguyệt (Cty Logi Gear- Đà Nẵng) chia sẻ: “Khi chơi mình tìm được sự sảng khoái về mặt tinh thần, giải tỏa stress do những áp lực công việc, cuộc sống mang lại. Đặc biệt, nó rèn cho mình tâm lý vững vàng. Lúc đầu rất hồi hộp, nhưng sau đó được trợ giúp của đồng đội mình đã tự tin, trở thành một “chiến sĩ” thiện xạ”.

Em Mai Xuân Trung (học sinh lớp 11 Trường Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) cho biết, đây là trò chơi thể thao rèn luyện thể lực rất tốt. Không chỉ mang trên người trang bị nặng nề, người chơi còn phải lăn, lê, bò, toài, di chuyển cực nhanh, linh hoạt tốn khá nhiều mồ hôi. Chỉ với 30 phút vận động cùng tâm lý hồi hộp có thể tốn sức bằng cả một trận đá bóng.

Cũng theo Trung, chơi súng sơn đã rèn luyện cho em nhiều kỹ năng, từ phối hợp đồng đội tới việc di chuyển, phản xạ, tâm lý khi đối mặt với đối phương, óc phán đoán, khả năng xử lý tình huống. Mặt khác trò chơi này còn mang ý nghĩa giáo dục lịch sử, nó giúp gợi lại những trận đánh trong lịch sử để bổ sung kiến thức cho lớp trẻ, hun đúc thêm ý chí, lòng can đảm và truyền thống anh dũng của dân tộc. Ngoài ra người tham gia trò chơi còn được phổ biến những kiến thức quân sự cơ bản và áp dụng những lý thuyết quân sự trong khi chơi do đó rất hiệu quả trong việc huấn luyện chiến thuật, tình huống chiến đấu, tập chiến thuật ngụy trang.


Đồng thời rèn luyện kỹ năng phối hợp đồng đội, chiến thuật.

Theo anh Hiệp (Cty Huy Khánh, Đà Nẵng), điều ấn tượng nhất của trò chơi là vai trò của người chỉ huy. Có thể lực lượng của đội mình yếu hơn, ít hơn, nhưng nếu người chỉ huy biết xốc lại tinh thần cho đội, biết đề ra chiến thuật hợp lý thì vẫn có thể chiến thắng đối phương đông và mạnh. Anh Hiệp nói: “Khi ra trận, tâm lý vững vàng, thấy đối phương không hề run sợ, đã đảm bảo tới 90% chiến thắng. Mà tâm lý ấy có được là nhờ sự tác động rất lớn từ người chỉ huy”.

Anh Phan Thế Đức chia sẻ: “Tôi ra Đà Nẵng du lịch, người bạn dẫn tới siêu thị chơi vài trò cũ, rồi bảo đi tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Non Nước... chứ không còn trò giải trí gì nữa. Tôi nghĩ Đà Nẵng có vị thế trung tâm của miền Trung để phát triển du lịch và du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn mà quá “nghèo” trò chơi giải trí. Vậy du khách tới đây, họ làm gì? Từ đây ý tưởng đưa súng sơn về Đà Nẵng hình thành và mình đã mất hơn 1 năm để biến ý tưởng thành hiện thực. Đây là trò chơi rất mới ở Việt Nam, lại mang nhiều ý nghĩa tích cực, vì vậy tôi nghĩ sẽ là sản phẩm giải trí được người dân, du khách ưa chuộng”.

Lượng người đến tham gia môn thể thao giải trí này càng đông chừng mực nào đó đã minh chứng rằng sự đầu tư của những người khai sinh ra CLB súng sơn là đúng hướng.

(Theo Công An Đà Nẵng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét