Tập Cận Bình và Nguyễn Tấn Dũng bắt tay khi gặp nhau bên lề Hội chợ ASEAN-Trung Quốc ở thành phố Nam Ninh tỉnh Quảng Tây ngày 20 tháng 9, 2012. (Hình: Tân Hoa Xã)
Theo bản tin Tân Hoa Xã, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý áp dụng những điều đã được lãnh tụ hai nước đồng thuận để giải quyết tranh chấp Biển Ðông khi Hồ Cẩm Ðào và Nguyễn Phú Trọng gặp nhau hồi tháng 10 năm ngoái ở Bắc Kinh.
Tức là giải quyết tranh chấp “xuyên qua đàm phán và đối thoại.”
Tân Hoa Xã thuật lời Tập Cận Bình nói vấn đề Biển Ðông không những tượng trưng toàn diện cho mối quan hệ giữa hai nước mà cũng tác động đến mối quan hệ nếu không được đối phó đúng cách.
Tân Hoa Xã cũng thuật lời Tập Cận Bình nói “hai lãnh đạo đã đạt nhiều thỏa hiệp quan trọng liên quan tới biển và hai nước nên sốt sắng áp dụng chúng.” Tuy nhiên Tân Hoa Xã không nêu ra cho biết những thỏa hiệp đó là gì.
Về phía Hà Nội, bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) viết rằng trong cuộc gặp mặt của hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Tập Cận Bình, “Hai bên nhất trí cho rằng cần kiên trì giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Ðông, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình và xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ hai nước.”
TTXVN thuật lời ông Dũng kêu gọi “hai bên cần thực hiện nghiêm chỉnh nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh thông qua đàm phán hữu nghị, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Ðông (COC).”
TTXVN không hề nói gì tới những “thỏa hiệp trên biển” như Tân Hoa Xã đã hé lộ chút ít ngoài rất nhiều lời ca ngợi như là, “Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc do các thế hệ lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp là tài sản vô cùng quý giá của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, hai bên cần phải có trách nhiệm kế thừa, gìn giữ và phát huy.”
Trong chuyến đến Bắc Kinh của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 11 tháng 10, 2011 Việt Nam-Trung Quốc ký bản “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển.”
Bản thỏa thuận này viết ở điều 3 rằng, “Ðối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.”
Và tại điều 4 thì, “Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của thỏa thuận này.”
Và tại điều số 5 của bản thỏa thuận thì kêu gọi, “Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau.”
Bản thỏa thuận này cũng như bản tuyên bố chung ngày 15 tháng 10, 2011 toàn là những lời lẽ mơ hồ nên Bắc Kinh liên tiếp có các hành động khiêu khích, lấn tới trong khi vẫn cao giọng kêu gọi Hà Nội tôn trong các sự “đồng thuận” của các lãnh tụ cấp cao.
Bắc Kinh vẫn ngang nhiên cấm đánh cá, vẫn bắt ngư dân Việt, vẫn mở thầu dò tìm dầu khí ngay ở các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những vậy, Bắc Kinh còn tuyên bố thành lập thành phố và bộ quân sự “Tam Sa” cấp huyện đặt bộ chỉ huy tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Không thấy TTXVN đưa tin gì cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng có đặt vấn đề gì đối với những hành động bá quyền của Trung Quốc hay không. Báo chí Trung Quốc thì luôn luôn đưa ra các lời đe dọa dùng võ lực để “dạy Việt Nam” bài học mỗi khi có chuyện căng thẳng về tranh chấp biển đảo. (TN)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét