Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

'Giải quyết tranh chấp biển Đông không thể manh động'

17/9/2012- "Việt Nam - Trung Quốc khẳng định, trong bất kỳ tình huống nào cũng không sử dụng lực lượng quân sự để trấn áp, ngăn cản hoặc đe dọa các hoạt động hòa bình trên biển", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết.


Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: QĐND

- Cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Việt -Trung lần thứ ba đã đóng góp như thế nào vào việc thúc đẩy phát triển lành mạnh quan hệ hữu nghị song phương?

- Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Việt -Trung lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 9. Mục đích chung của các kỳ đối thoại là nhằm tăng cường hiểu biết, trao đổi đánh giá tình hình quốc tế và khu vực liên quan tới quốc phòng, an ninh nhằm tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác giữa hai quân đội. Trên cơ sở đó, đóng góp cho quan hệ đang phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tại cuộc Đối thoại lần này, hai bên đã đánh giá về tình hình an ninh khu vực một cách thẳng thắn, trung thực, không áp đặt ý kiến chủ quan. Chúng tôi đã bàn thảo về sự can dự của các nước lớn vào khu vực đem lại những cơ hội và thách thức gì cho các nước trong khu vực, quan điểm của hai bên có nhiều điểm tương đồng. Cụ thể, việc các nước quan tâm can dự vào châu Á - Thái Bình Dương là quyền của mọi quốc gia và cũng là quy luật tất yếu khi khu vực này sẽ trở thành tương lai của thế giới. Yếu tố tích cực của sự can dự có thể thấy rõ là nó chứng tỏ vị thế đang lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc.

Đây là cơ hội cho tất cả các nước mở rộng hợp tác quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế đem lại lợi ích chính đáng cho mỗi nước, đồng thời đóng góp cho sự thịnh vượng chung. Về những thách thức, trước hết, các quốc gia trong khu vực nếu không giữ được độc lập tự chủ, không giữ được đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa thì chúng ta dễ bị rơi vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước lớn, dẫn tới hậu quả mất sự ổn định của đất nước. Phải nói rằng đó vừa là cơ hội, vừa là những thách thức và đó cũng là hiện tượng có tính quy luật.

Chủ đề thứ hai của cuộc Đối thoại là cách ứng xử của hai quân đội trong vấn đề Biển Đông. Đây là lần đầu tiên chủ đề này được chính thức đưa vào chương trình Đối thoại và chúng tôi đã trao đổi kỹ lưỡng, thẳng thắn, không né tránh. Trước hết, hai bên nêu quan điểm của mỗi nước về vấn đề Biển Đông. Phía Trung Quốc trình bày quan điểm của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định rõ quan điểm chủ quyền trước sau như một về Hoàng Sa, Trường Sa, về thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Khi nêu vấn đề Biển Đông quan điểm của hai bên khác nhau, song chúng tôi nhất trí rằng tuy vấn đề do lịch sử để lại nhưng lịch sử đó phải phù hợp với luật pháp quốc tế đương đại mà chúng ta cần phải nghiêm túc tuân thủ.

Tôi và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên cũng đã trao đổi cách ứng xử của quân đội hai nước khi Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại những khác biệt, bất đồng về chủ quyền. Liên quan tới vấn đề này, một sự kiện quan trọng đối với hai nước là cuối năm 2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.

Đối với quân đội, hai bên khẳng định trong bất kỳ tình huống nào cũng không sử dụng lực lượng quân sự để trấn áp, ngăn cản hoặc đe dọa các hoạt động hòa bình trên biển như nghiên cứu khoa học, lưu thông hàng hải, khai thác tài nguyên… Quân đội hai nước tuyệt đối không sử dụng vũ lực để đối phó với nhau khi có vấn đề phát sinh. Đặc biệt, phía Việt Nam cũng đề xuất, trên cơ sở nguyên tắc hai Đảng, hai Nhà nước đã ký, quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc xây dựng cam kết trong bất kỳ tình huống nào cũng không được sử dụng lực lượng quân sự để xử lý vấn đề dân sự, cũng như tuyệt đối không sử dụng vũ lực đối đầu. Thượng tướng Mã Hiểu Thiên đã ghi nhận tích cực đề xuất của chúng ta và hai bên đang nghiên cứu triển khai.

Tại cuộc Đối thoại, Đoàn Việt Nam và Đoàn Trung Quốc cũng bàn thảo biện pháp tăng cường hợp tác giao lưu giữa hai quân đội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các hoạt động hợp tác liên quan đến vấn đề biên giới. Chúng tôi mong muốn lực lượng biên phòng giáp biên kết nghĩa, tuần tra chung để xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia. Đối với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển hai bên cũng thống nhất tăng cường giao lưu, tiếp tục phối hợp tốt trong việc tuần tra chung…

Có thể nói rằng, tại cuộc Đối thoại lần này điểm đồng là chủ yếu. Những điểm còn khác biệt đã được nêu ra thẳng thắn, ý kiến của mỗi bên được tôn trọng. Hai bên thống nhất giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước láng giềng XHCN được thể hiện đầy đủ trong Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.

- Tại cuộc Đối thoại, các vụ việc xảy ra trên Biển Đông trong đầu năm nay có được nêu ra như thế nào, quan điểm của quân đội hai nước xử lý những vấn đề này ra sao?

- Những sự việc phức tạp trên Biển Đông do quốc phòng không trực tiếp tham gia và xử lý nên không nêu cụ thể tại Đối thoại. Tuy nhiên, với trách nhiệm của lực lượng quốc phòng, những vụ việc đó cũng được điểm qua. Hai bên khẳng định, lực lượng quốc phòng không tham gia giải quyết xung đột. Bên cạnh đó, quân đội phải đóng góp ý kiến tham mưu để hai Đảng, hai Nhà nước giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Quan hệ quốc phòng cần phải được tăng cường nhằm xây dựng lòng tin giữa hai Đảng, hai Nhà nước để từng bước giải quyết những bất đồng. Vấn đề Biển Đông là đại sự trong quan hệ hai nước. Không thể nói quan hệ Việt - Trung là tốt đẹp nếu Biển Đông vẫn còn tồn tại những bất đồng có nguy cơ trở thành xung đột.

- Thượng tướng có thể cho biết, tại sao tình hình Biển Đông lại diễn biễn phức tạp trong thời gian qua?

- Những năm qua, không chỉ Việt Nam, Trung Quốc hay các nước trong khu vực mà hầu như cả thế giới đều quan tâm tới vấn đề Biển Đông. Theo tôi, phải nhìn vấn đề này một cách toàn cục. Trước hết, vị trí chiến lược và sự can dự của các nước lớn khiến giá trị lợi ích tại các khu vực trên Biển Đông trở nên rất lớn về cả khía cạnh kinh tế, địa chính trị lẫn quốc phòng -an ninh... Sự can dự của các nước lớn đem tới cả những lợi ích lẫn thách thức như đã nói ở trên. Bên cạnh đó, một số nước đưa ra những tuyên bố mang tính chất đơn phương, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chỉ riêng những tuyên bố đó đã gây ra mất ổn định, gây ra lo ngại chung trên Biển Đông. Không chỉ vậy, có nước còn có những hành động không tôn trọng luật pháp quốc tế, không tôn trọng DOC với một nội dung quan trọng là giữ nguyên hiện trạng cho đến khi tìm được giải pháp để giải quyết tranh chấp.

Một phần nguyên nhân khác, thực ra không nằm trên biển mà ở trên đất liền. Những nước không ở gần Biển Đông, thậm chí ở tận châu Âu, châu Mỹ, cũng bàn về vấn đề Biển Đông khiến dư luận quan tâm hơn. Bản chất của sự việc này là do Biển Đông không còn là vấn đề của riêng một vài nước tranh chấp chủ quyền mà là vấn đề của tất cả các quốc gia trên thế giới có lợi ích ở khu vực. Nói cách khác, Biển Đông đã trở thành vấn đề chung của cộng đồng quốc tế. Hiển nhiên, khi một khu vực quan trọng với tương lai thế giới mất ổn định, mọi người đều có quyền bày tỏ quan ngại. Mọi quốc gia đều có quyền, và có trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến và bằng các hành động thiện chí để giải quyết vấn đề này bằng biện pháp hòa bình, đúng theo luật pháp quốc tế.

- Trước bối cảnh như vậy, quan điểm của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ như thế nào?

- Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định rất rõ quan điểm về chủ quyền lãnh thổ. Tôi nhấn mạnh rằng, chủ quyền, lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và không thể đánh đổi. Đất đai, sông núi, biển đảo Việt Nam không chỉ là sở hữu của hơn 80 triệu người dân ngày hôm nay, mà quan trọng hơn, bờ cõi ấy đã được cha ông ta hàng nghìn năm qua gìn giữ để lại. Bờ cõi này cũng sẽ là sở hữu của các thế hệ người Việt Nam mai sau, là không gian sinh tồn của con cháu chúng ta. Không ai được phép nhân nhượng một tấc chủ quyền trên đất, trên trời, trên biển của Tổ quốc, và cũng là không gian sinh tồn và phát triển của muôn đời con cháu chúng ta mai sau.

Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, chúng ta phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Do vậy, không thể manh động trong việc giải quyết tranh chấp để đánh mất hòa bình và ổn định. Có người sẽ đặt câu hỏi: Liệu như vậy có giữ được chủ quyền, lãnh thổ không? Tôi tin là hoàn toàn được khi chúng ta giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở để đòi và bảo vệ chủ quyền, cũng như tăng cường hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Xu thế chung trên thế giới hiện nay, các quốc gia đều đang cần môi trường hòa bình và ổn định để phát triển. Thế giới đương đại cũng đã có hệ thống pháp luật rõ ràng, tuy chưa đủ nhưng cũng quy định mỗi quốc gia có quyền gì trên đất, trên biển của mình. Một hành động phi nghĩa, bất chấp luật pháp quốc tế, đi ngược lại trào lưu chung của cả nhân loại của bất kỳ quốc gia nào sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và của chính nhân dân mình, sẽ tạo nên làn sóng phản đối quốc tế và sự bất ổn nội tại khôn lường.

Tôi khẳng định rằng, để có thể bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, điều tối quan trọng là phải giữ vững ổn định chính trị trong nước. Chúng ta luôn phải nhớ nằm lòng kim chỉ nam “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” mà Đảng ta và Bác Hồ đã chỉ ra, bảo vệ vững chắc chế độ XHCN mới giữ được độc lập chủ quyền. Xử lý vấn đề Biển Đông là đại sự của đất nước, là việc của tất cả nhân dân Việt Nam.

- Trên góc độ là nhà nghiên cứu chiến lược, Thượng tướng nhận định như thế nào về phát biểu vừa qua của Thủ tướng Lý Hiển Long tại trường Đảng Trung ương Trung Quốc: "Chúng tôi không muốn bị buộc phải chọn Trung Quốc hay chọn Mỹ” ?

- Phát biểu nói trên của Thủ tướng Lý Hiển Long là rất đúng. Trước hết, lý luận của ông Lý Hiển Long căn cứ trên lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Thời đại ngày nay không phải là lúc lập lại hai phe. Nếu hình thành hai phe thì tất cả các nước đều không có lợi mà bất lợi nhất là Trung Quốc và Mỹ. Quan hệ Mỹ - Trung tuy có hợp tác, có đấu tranh nhưng không được ràng buộc các quốc gia xung quanh vào xu thế buộc phải chọn bên này, hoặc bên kia. Hãy để cho các quốc gia cùng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trên cơ sở lợi ích của họ trong những lĩnh vực có lợi ích của Mỹ và Trung Quốc.

- Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành Đại hội lần thứ 18. Tại Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống cũng chuẩn bị diễn ra. Xin Thượng tướng cho biết, hai sự kiện này tác động đến an ninh khu vực ra sao?

- Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vận mệnh và sự phát triển của Trung Quốc. Cũng như vậy, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến nền chính trị Mỹ. Các sự kiện này cũng ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia có quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc đều có những giá trị, mục tiêu và chiến lược quốc gia căn bản, mà họ sẽ theo đuổi trong quá trình lâu dài. Cho nên, những sự kiện chính trị như trên sẽ chỉ làm cho chiến lược của các quốc gia có những điều chỉnh, nhưng cơ bản không thay đổi. Vì vậy, chúng sẽ không tác động nhiều đến những gì đang diễn ra dưới sự ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, của quan hệ Mỹ - Trung đối với khu vực và toàn thế giới.

Theo Quân Đội Nhân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét