Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Mỹ “dàn quân” ở Châu Á như thế nào ?

18/9/12- (VnMedia)- Trong cuộc gặp với một tướng lĩnh cấp cao của Mỹ gần đây ở thủ đô Bắc Kinh, Trung tướng Thái Anh Đĩnh – Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã lên tiếng phản đối gay gắt việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự ở Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Thái Anh Đĩnh cho rằng, đây rõ ràng là một nỗ lực của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc.


Theo lời một quan chức Mỹ có mặt tại cuộc gặp gỡ giữa hai vị tướng nói trên, Trung tướng Cai đã hỏi Tướng Mỹ: "Tại sao các bạn lại kiềm chế chúng tôi?".

Đáp lại, Tướng Mỹ phủ nhận các động thái quân sự của họ trong khu vực là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, rất dễ để hiểu vì sao các quan chức ở thủ đô Bắc Kinh đang có ấn tượng như thế và đang lo lắng phát sốt vì điều này.

Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Obama đang đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ với một loạt nước xung quanh Trung Quốc như Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Singapore... Washington đang tái sắp xếp lại lực lượng binh lính, máy bay, tàu chiến đồng thời tăng cường viện trợ cho khu vực Nam Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta có thể sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa, khó trả lời hơn khi ông đến Bắc Kinh gặp gỡ với Thiếu tướng Lương Quang Liệt – Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, trong ngày hôm nay (17/9). Ông Panetta đang có chuyến công du Châu Á với 3 điểm dừng chân được ông lựa chọn là Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand.

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đang thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc nhưng là chuyến công du thứ 3 đến khu vực Châu Á kể từ khi ông chính thức trở thành ông chủ Lầu Năm Góc vào tháng 7 năm ngoái. Trong thời gian này, chính quyền Mỹ đang củng cố mối quan hệ liên minh và tăng cường lực lượng nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ “dàn trận” ở Châu Á như thế nào?

Trong diễn biến mới nhất, các quan chức Mỹ cho biết, họ hy vọng sẽ lần đầu tiên nối lại các chuyến thăm của tàu chiến Mỹ đến New Zealand kể từ năm 1984 đến giờ. Mặc dù quốc gia Nam Thái Bình Dương này là một đồng minh thân thiết của Mỹ nhưng Washington đã tạm ngừng hiệp ước phòng thủ chung cũng như hầu hết các hoạt động hợp tác quân sự với Wellington sau khi nước này thông qua một dự luật cấm tàu mang vũ khí hạt nhân hay sử dụng vũ khí hạt nhân ra vào vùng lãnh hải của họ.

Các quan chức Mỹ cho biết, họ đang thăm dò xem liệu New Zealand có thể hủy bỏ lệnh cấm với các tàu hạt nhân trong hạm đội Mỹ như tàu ngầm, tàu sân bay, hay không. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng đang tính đến một khả năng khác, đó là phái những tàu phi hạt nhân của lực lượng Hải quân đến New Zealand.

Vì vậy, ông Panetta sẽ trở thành vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên đến thăm New Zealand trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây. Giải quyết được một tranh cãi lâu nay giữa hai nước sẽ cho phép hai bên tiến hành nhiều hơn các cuộc tập trận hải quân và huấn luyện chung ở Nam Thái Bình Dương, các quan chức Mỹ cho biết.

"Hiện tại, chúng tôi đang thảo luận, không mang vũ khí hạt nhân đến New Zealand nhưng chúng tôi có thể giúp họ về năng lực đổ bộ bởi họ rất tự hào về việc là một cường quốc ở khu vực tây nam Thái Bình Dương", vị quan chức giấu tên trên của Mỹ cho biết thêm.

Gần đây, Mỹ cũng đang tham gia vào một “cuộc đua” tranh giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương với Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền của vào khu vực này bằng việc xây dựng đường xá, cầu cảng và nhiều dự án phát triển khác. Cách đây hai tuần, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã tham dự một diễn đàn khu vực ở quốc đảo Cook, phía đông bắc New Zealand. Tại đây, bà Hillay đã cam kết tài trợ hàng chục triệu USD cho khu vực Nam Thái Bình Dương.

Các quan chức Mỹ thời gian qua đã luôn công khai tuyên bố, họ đang “tái cân bằng” lại lực lượng trên khắp thế giới. Cụ thể, quân Mỹ đã rời Iraq và chuẩn bị rút khỏi Afghanistan và Mỹ sẽ tăng quân ở Châu Á. Washington cho biết, họ chuyển trọng tâm sang Châu Á không nhằm vào Trung Quốc mà nhằm vào một loạt mối đe dọa an ninh trong đó có vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và một loạt thảm họa nhân đạo hay những tình huống bất ngờ khác.

Lầu Năm Góc đang tái tổ chức lại 9.000 lính thủy đánh bộ thành 4 lực lượng đặc nhiệm đóng tại đảo Hawaii, đảo Okinawa của Nhật trên cơ sở luân phiên 6 tháng một lần và tại một căn cứ ở bờ biển phía bắc Australia. 3 phi đội máy bay chiến đấu tối tân F-22 – một loại chiến đấu cơ thiện chiến không thể thiếu khi đối đầu với Trung Quốc, cũng sẽ được Mỹ triển khai đến khu vực Châu Á.

Hải quân Mỹ còn đưa 4 tàu chiến vũ trang hạng nhẹ loại mới đến Singapore. Những con tàu này sẽ hoạt động ở Eo biển Malacca chiến lược nằm giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia, và khu vực Biển Đông – nơi đang “dậy sóng” bởi những cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Chính quyền Tổng thống Obama cũng đang đàm phán với chính phủ Philippines để có thể đưa quân Mỹ quay trở lại căn cứ hải quân ở Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ còn đang hy vọng sẽ được phép quay trở lại căn cứ không quân U-Tapao ở Thái Lan.

Tất cả những diễn biến quân sự trên của Mỹ ở khu vực Châu Á thực sự đang khiến Trung Quốc cảm thấy cực kỳ bất an và lo ngại.

Kiệt Linh/ VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét