Ngày 23.9, hải quân Trung Quốc chính thức tiếp nhận tàu sân bay đầu tiên của nước này. Theo AFP, lễ bàn giao diễn ra tại cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa thông báo chính thức về việc tàu này sẽ được biên chế vào hạm đội nào trong số ba hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải. Tên gọi của tàu cũng chưa được công bố trong khi một số hình ảnh cho thấy nó mang số hiệu 16. Con tàu dài 300 m, có độ choán nước xấp xỉ 50.000 tấn, đủ sức mang theo khoảng 25 chiến đấu cơ và được trang bị một số vũ khí phòng thủ cơ bản.
Thuộc lớp Varyag và được Trung Quốc mua lại từ Ukraine, hàng không mẫu hạm này lâu nay bị giới chuyên gia quốc tế nghi ngờ về sức mạnh thực sự. Theo đó, Bắc Kinh phải mất nhiều năm nữa mới đủ sức triển khai tác chiến thực sự đối với chiếc tàu thiếu nhiều phương tiện hỗ trợ, bảo vệ hiệu quả lẫn loại chiến đấu cơ phù hợp. Vì thế, có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc “vội vã” bàn giao cho hải quân là động thái “lên gân” trong bối cảnh tình hình biển Đông và Hoa Đông đang căng thẳng.
Tại biển Đông, Trung Quốc hồi cuối tháng 7 thành lập cái gọi là TPTam Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó đến nay, nước này liên tục có động thái nhằm hợp lý hóa “TP.Tam Sa” như tổ chức bầu cử, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư… khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Hãng tin Bernama vừa dẫn lời Phó thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin kêu gọi tranh chấp biển Đông cần được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán đa phương, không sử dụng bạo lực. Phát biểu trên được ông Yassin đưa ra trong cuộc gặp với Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tuần. Đồng thời, Phó thủ tướng Malaysia kêu gọi các bên liên quan cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay buổi lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản sẽ bị dời lại thay vì vào ngày 27.9 như kế hoạch ban đầu. Căng thẳng hiện tại giữa Bắc Kinh với Tokyo xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được cho là nguyên nhân trì hoãn buổi lễ. Ngoài ra, Hãng tin CAN dẫn lời lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết đảo này đã điều động chiến đấu cơ F16 tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lâu nay, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Ông Mã còn tiết lộ Trung Quốc đang phái tàu hộ tống mang tên lửa để bảo vệ các tàu công vụ của nước này hiện diện tại đây thời gian qua. Tuy nhiên, đến hôm qua, AFP dẫn nguồn Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết toàn bộ tàu công vụ Trung Quốc vừa rút khỏi vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư.
Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét