Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Bà Clinton đã thất bại ra sao tại Bắc Kinh?

16/9/2012- “Trung Quốc làm nhục bà Clinton”. Một bài bình luận về chuyến đi Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chạy tít như vậy.

VOV tóm tắt: “Hầu hết báo chí phương Tây khẳng định chuyến thăm của bà ngoại trưởng Mỹ đã thất bại trên các vấn đề cơ bản như tranh chấp biển Đông và xung đột Syria...”.


Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Bắc Kinh ngày 5/9/2012 - Ảnh: Reuters

Hoạt động ngoại giao vẫn thường được xem như là một loại hình hoạt động rất trang nhã theo đúng nguyên tắc lễ tân, từ y phục, đi đứng, yến tiệc, nói năng... đều "bóng loáng", mục đích là để tranh thủ thiên hạ về phía mình. Các chuyến viếng thăm và làm việc cũng thế.

Thế nhưng không phải lúc nào mọi hoạt động ngoại giao cũng đều "ngoại giao" như thế cả. Nếu có những chuyến công du hữu hảo thì cũng có những chuyến đi sứ đầy thử thách, bởi lẽ đâu phải lúc nào quan hệ hai nước cũng êm đềm.

Như những đàm phán "cho có" của đại sứ Nhật Bản Kichisaburo Nomura tại Washington tháng 11, 12 năm 1941 trước khi quân Nhật rình rình làm một trận Trân Châu Cảng suýt nữa nhấn chìm hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ngay cả trong lịch sử Việt Nam cũng có những chuyện đi sứ và bị thảm sát như chuyện sứ thần Giang Văn Minh là quan nhà Lê trung hưng.

Phụng mệnh đi sứ, khi chủ nhà ra vế đối "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục""(ý nhắc Cột đồng (trồng từ thời Mã Viện) đến nay rêu đã xanh), sứ thần Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng", ý nhắc sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ. Chủ nhà giận quá, hành hình ông năm 1638, ông thọ 65 tuổi, được mệnh danh là vị sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (Không để nhục mệnh vua) (2).

Bó tay trước Bộ trưởng Trung Quốc!

Ngày nay, trảm sứ không bằng đao kiếm mà bằng truyền thông. Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cuối ngày 5/9, trả lời câu hỏi của Bloomberg News về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã khẳng định: "Trung Quốc có chủ quyền trên các hòn đảo ở Nam Hải cùng các vùng biển lân cận. Có đầy bằng chứng lịch sử và pháp lý cho việc này".

Đến đây, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc ấn định các điều kiện cho những đàm phán tương lai: "Về vấn đề tranh chấp chủ quyền một số hòn đảo và dải đá ngầm ở Nam Hải cùng vấn đề chủ quyền, lợi ích cùng các yêu sách chồng lấn, tất cả cần được bàn bạc bởi những nước trực tiếp liên quan trên cơ sở sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, xử lý và giải quyết qua đàm phán trực tiếp và tham vấn hữu nghị. Điều tôi vừa mới nhấn mạnh (tức đàm phán trực tiếp) không chỉ là quan điểm của Trung Quốc, mà là một nguyên tắc quan trọng và cũng là tinh thần của DOC. Các bên ký kết DOC đã đồng thuận điều đó và đã cam kết...".

"Luật chơi" trên biển Đông của Việt Nam mà ông Trì quả quyết của Trung Quốc là như thế, ngoại trưởng Mỹ chỉ có thể đứng lặng nghe mà không thể phản bác gì vì cuộc họp báo này đâu phải là diễn đàn tranh luận đúng sai.

Bà Clinton đã chỉ có thể giả lả tán thành: "Tôi hoan nghênh các phát biểu của ông bộ trưởng về sự cam kết gắn bó của Trung Quốc với một bộ quy ước ứng xử từng được đề cập trước trong bản Tuyên bố ứng xử đã được Trung Quốc và các nước ASEAN thỏa thuận cách đây 10 năm...".

Phục hận năm xưa

Cuộc họp báo ngày 5/9 đó chính là cái bẫy sập mà bà Clinton bị rơi vào. Âu cũng là chuyện ân đền oán trả vì cách đây hai năm, hôm 22/7/2010, trong một cuộc họp báo của phái đoàn Mỹ tại Hà Nội, bà Clinton đã bất ngờ tuyên bố: "Giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình là mối quan tâm quốc gia của nước Mỹ" và "yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề biển Đông mà không kèm theo dọa nạt".

Báo chí Trung Quốc gọi đó là một sự "tấn công vào Trung Quốc" ngay khi Bộ trưởng Dương Khiết Trì đang có mặt tại diễn đàn ASEAN, trích lời một nhà báo của tờ Forbes gọi đó là "một cuộc mai phục ông Dương Khiết Trì".

Đòn thù giáng trả bà Clinton không chỉ qua cuộc họp báo "trói tay, khóa miệng" mà còn qua việc Chính phủ Trung Quốc, chỉ hai giờ trước khi bà Clinton rời Bắc Kinh, loan báo tin truy tố Vương Lập Quân, nguyên giám đốc Công an Trùng Khánh, từng tìm cách xin tị nạn trong Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô vào tháng 2 vừa qua.

Một loan báo như thế, chỉ hai tuần sau vụ xử tử hình bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hi Lai, không khác gì "chỉ trỏ" vào vai trò của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô trong vụ này khi giữa bà Cốc Khai Lai và ông Vương Lập Quân đã có không ít dính líu! Một thông tin vụ án hình sự ám chỉ đến sự can dự của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, quả là một tống tiễn ngoại giao vô tiền khoáng hậu!

Nợ vay khó trả

Tại sao ngoại trưởng Mỹ lại lặng im trước lời khẳng định chủ quyền của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cùng những áp đặt các bên trực tiếp liên quan đàm phán?

Muốn hay không muốn, Mỹ cũng đang nợ Trung Quốc trên ngàn tỉ USD trái phiếu, và rằng cứ mỗi khi đáo hạn một gói trái phiếu trị giá vài trăm tỉ USD thì Mỹ phải lo sốt vó mong hoãn nợ. Cần nhớ rằng trước khi ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh, một phái đoàn liên bộ ngoại giao - thương mại cấp thứ trưởng đã dọn đường.

Tính đến ngày 4/9, tổng nợ của nước Mỹ đã lên đến 16.000 tỉ USD. Trong số các chủ nợ nước ngoài, dẫn đầu là Trung Quốc với 1.200 tỉ USD. Nợ đến nỗi dân biểu Michele Bachmann thuộc Đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh đề cử làm ứng viên tổng thống, khi nói về món nợ Trung Quốc của Mỹ đã đùa rằng: "Ông Hồ Cẩm Đào là cha của quý vị!".

Tổng thống Barack Obama, trong chiến dịch tranh cử năm 2008, từng chỉ trích tổng thống Bush đã nhận "thẻ tín dụng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhân danh con cái người Mỹ, khiến số công nợ quốc gia trong suốt 42 đời tổng thống trước chỉ là 5.000 tỉ USD vọt lên đến 9.000 tỉ và nay ta đang è cổ ra trả".

Nay ông Romney (ứng cử viên Đảng Cộng hòa) tố ông Obama đã để lại nợ nần cho người Mỹ còn tệ hơn khi mới nhậm chức. Ở đại hội Đảng Cộng hòa mới đây, theo Fox News, ông Romney hỏi: "Liệu người Mỹ chúng ta đang định vay Trung Quốc thêm ngàn tỉ USD nữa hay sao?".

Quan hệ Mỹ - Philippines có xuống cấp?

Không khó hiểu tại sao trong tuần lễ trước chuyến đi của bà Clinton, trong không ít hơn ba cuộc họp báo liên tiếp ở Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhà báo đã nêu mỗi một câu hỏi về sự xuống cấp quan hệ giữa Philippines với Mỹ: "Về Philippines, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, Philippine Airlines hôm qua vừa ký hợp đồng 7 tỉ USD mua máy bay Airbus, mà Boeing mong muốn. Qua việc đi với Airbus, có phải Philippines đang chặt bớt hay dìm xuống nước quan hệ với Mỹ?" (6).

Bà Nuland, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ biết trả lời: "Chúng tôi vẫn luôn hậu thuẫn cho các công ty Mỹ, đặc biệt khi đó là một hợp đồng lớn như vậy. Trong lịch trình nói chuyện kinh tế cấp nhà nước của ngoại trưởng, những việc như vậy luôn được nêu lên, song các nước khác cũng có chủ quyền quyết định của họ, dựa trên những chuẩn mực do họ tự thiết lập".

Phía Philippines đã gây chưng hửng khi hạ bút ký hợp đồng 7 tỉ USD mua cả trăm chiếc Airbus thay vì mua Boeing của Mỹ, "cho dù Washington có hậu thuẫn Manila trong một tranh chấp ngoại giao với Trung Quốc", báo chí thế giới cùng trích lại tin này.

Ba ngày sau, có tin Trung Quốc ký hợp đồng 4 tỉ USD mua 50 chiếc Airbus nhân chuyến thăm Bắc Kinh của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. So sánh hai hợp đồng mua máy bay Airbus này càng cho thấy ý nghĩa chính trị - chiến lược trong quyết định của Philippines, buộc Reuters phải bình luận: "Các hậu thuẫn ngoại giao đã không giúp gì được cho Boeing".

Chẳng qua người Phi, vốn là một đất nước trên biển, sống chết cũng trên biển, từ một năm qua đang trông đợi Mỹ tiếp tế vũ khí, nhất là tàu chiến.

Những xoay trở bất lực trong vòng vây quân thù của chiếc tuần dương hạm BRP Gregorio del Pilar đầu tháng 4 năm nay ở bãi cạn Scarborough, sau đó hải quân Philippines buộc phải rút chiếc này về cảng Manila càng khiến người Phi thấm thía nỗi buồn nhược tiểu: khi hệ thống vũ khí tự động Phalanx CIWS và 2 Mk.38 M242 Bushmaster cùng radar tầm không, tạm gọi là hiện đại trên chiếc tàu này, bị tháo gỡ đi, chỉ để lại mỗi một khẩu pháo Oto Melara 76 li ở mũi, thì chiếc tàu tuần dương "quá đát" này chỉ còn là một đống "đồng nát" cho đối phương ngắm bắn.

Phía Philippines đã khẩn khoản yêu cầu Mỹ đừng tháo gỡ tương tự trên chiếc tuần dương thứ nhì song Mỹ vẫn cứ gỡ đi, và chiếc BRP Ramon Alcaraz cũng đành "không vũ khí" như chiếc BRP Gregorio del Pilar. Bực dọc, Philippines gõ cửa chỗ khác tự mua cũng chính các khẩu phòng không hai nòng tác xạ tự động Mk.38 để cho tàu của mình đừng trở thành "bia bắn" và quay qua Nhật đề nghị mua 12 tàu tuần duyên!

Trong diễn văn "tình hình đất nước" hôm 23-7, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã hứa: "Chúng ta sẽ không phái "tàu giấy" ra biển nữa đâu!".

Theo Danh Đức/ Tuổi Trẻ

VTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét