Nơi xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mêkông, khúc chảy qua Lào
DR/ International Rivers
Trong suốt thời gian qua, Lào luôn luôn tuyên bố hợp tác với các quốc gia láng giềng và đình hoãn công trình Xayaburi, tuy nhiên trong thực tế, Viêng Chăng đã âm thầm tiến hành xây dựng theo dự định.
Ngày 05/11/12 vừa qua, ông Viraphonh Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng lượng của Lào cho biết là những quan ngại của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là của Cam Bốt và Việt Nam về những tác động tiêu cực của dự án Xayaburi có tính loan toả xuyên biên, đã được chính phủ Viên Chăng đáp ứng bằng cách điều chỉnh phần thiết kế của công trình.
Ông Viravong cho biết thêm là đập thủy điện Xayaburi sẽ được xây dựng dựa trên kỹ thuật toàn hảo hiện đại nhất và là loại đập tràn “run-of-river” không có hồ chứa nước lớn nên không tích lủy phù sa, các loài cá sẽ di chuyển tự nhiên lên xuống dòng sông và đảm bảo không gây ra những tác động tiêu cực có tính loan tỏa xuống Biển Hồ và châu thổ đồng bằng Cửu Long. Lễ động thổ khởi công xây dựng đập Xayaburi đã được tổ chức ngày 07/11/12 và đánh dấu với công tác chuyển dòng nước để bắt đầu xây dựng phần đầu (nằm ở phía bên phải của dòng sông) của công trinh thủy điện.
Sau khi Lào tuyên bố như trên thì hai quốc gia Việt Nam và Cam Bốt đã dịu giọng và tỏ ra không còn chống đối dự án Xayaburi nữa. Về phía Cam Bốt, ngày 06/11/12, thủ ướng Hun Sen tuyên bố ủng hộ công trình Xayaburi với điều kiện không gây thiệt hại cho dòng sông và Cam Bốt. Về phía Việt Nam, ngày 08/11/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao chỉ thông báo: “....Chính phủ Lào quyết định khởi công xây dựng thủy điện Xayaburi sau khi đã điều chỉnh thiết kế của công trình để giảm thiểu tác động đối với hạ du và trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện công trình gây tác hại lớn sẽ dừng ngay dự án”.
Thái độ nói trên của hai chính phủ Việt Nam và Cam Bốt đã gây bất ngờ cho các tổ chức bảo vệ môi trường. Từ Sydney, tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ:
RFI: Xin kính chào tiến sĩ Huỳnh Long Vân. Trước hết, theo ông biết, trên thực tế, Lào có thật sự đã thực hiện những nghiên cứu cần thiết về những tác động của đập Xayaburi hay không?
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Mekong là dòng sông quốc tế chảy qua Vân Nam (Trung Quốc), Thái Lan, Lào, Cao Miên và Việt Nam. Trong nhiều năm qua Trung quốc đã tiến hành kế hoạch xây chuỗi những đập thủy điện khổng lồ trên dòng chính sông Lancang với 4 đập đã đưa vào sử dụng và 4 đập khác hoặc đang xây hay nằm trong kế hoạch. Ở vùng hạ lưu, MRC cũng đã lên kế hoạch xây trên dòng chính 11 đập thủy điện, trong đó có đập Xayaburi. Ngoài ra trên các phụ lưu hiện có 15, đến năm 2015 sẽ có thêm 26 đập khác và đến năm 2030 tổng số đập thủy điện trên các phụ lưu Mekong là 71.
Khi công tác xây dựng đập Xayaburi hoàn tất, đoạn sông dài 60-90km ở phần trên con đập, vốn có chiều sâu khoảng 5m, sẽ trở thành hồ chứa nước với chiều sâu trung bình 30m và ở đó, tốc độ của dòng chảy sẽ giảm từ 1m/sec xuống còn 0.1m/sec; điều này làm cho phù sa đọng lại dọc theo hai bờ hồ. Bằng chứng hiển nhiên cho thấy đập Xayaburi làm tích tụ phù sa là chính trong thiết kế của đập Xayaburi có hệ thống xả thải phù sa gồm 4 bộ cửa sổ kép và theo báo cáo kỹ thuật của MRC thì sau 30 năm vận hành, đập Xayaburi sẽ mất 60% năng suất vì phù sa lắng đọng trong hồ chứa.
So với các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong, giử lại 45% tổng khối lượng phù sa, khối lượng phù sa đập Xayaburi giử lại ít hơn, tuy nhiên cùng với chuỗi 10 con đập khác dự định xây trên dòng chính và các đập ở các phụ lưu, thì Xayaburi sẽ góp phần giữ lại 25% lượng phù sa nguyên thủy của dòng sông; đây là một thất thoát to lớn, ảnh hưởng đến tính phì nhiêu của vùng đất hạ lưu.
Trong thực tế, Lào chưa hề thực hiện những nghiên cứu có tính tổng thể cần thiết nêu trên và chỉ dựa vào những đề nghị của công ty Phần Lan Poyry và công ty Pháp CNR, để từ đó kết luận đập Xayaburi sẽ không gây ra những tác động nguy hại cho môi sinh và không lan tỏa xuống hạ nguồn.
RFI: Còn về sự hoán trú của các loài cá, dự án đập Xayaburi được sửa đổi sẽ còn gây tác hại hay không?
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Trước hết, về hoán trú của cá từ hạ nguồn lên thượng nguồn, Lào cho rằng, dựa trên kỹ thuật tân tiến, đập Xayaburi sẽ được thiết kế với những đường dẫn cá đặc biệt (fish passage) giúp đa số các loài cá di chuyển qua đập.
Đường dẫn cá của đập Xayaburi là “hệ thống hoán trú bực thang” (fish ladder), hệ thống này đầu tiên được phác hoạ giúp cho loài cá salmond di chuyển qua các đập thủy điện ở Columbia, Canada và phương tiện này sau đó đã được trắc nghiệm với đập thủy điện Pak Mun ở Thái Lan nhưng tỏ ra không hiệu quả. Vì thế các chuyên gia về cá đưa ra một số đề nghị bổ túc như sau:
* hệ thống hoán trú cần được làm rộng ra vì sông Mekong có lượng cá rất lớn, dài hơn để giảm bớt độ dốc duy trì năng lượng của cá và chiều cao của các bực thang phải được giảm bớt, vì cá sông Mekong có kích thước nhỏ.
* thiết lập hệ thống hoán trú dọc theo hai bên bờ cũng như ở giữa dòng sông.
* hệ thống hoán trú cần có nhiều “cửa vào” và thiết lập ở nhiều độ sâu và vị trí khác nhau để đón nhận tất cả các loài cá dù sống trên mặt, giữa dòng, ở đáy sông hay các chổ trũng.
* gia tăng tốc độ dòng chảy bên trong hệ thống hoán trú để “tiếp sức” cho cá phóng vọt các bực thang dể dàng và di chuyển lên thượng nguồn.
Ngoài ra còn đề nghị tìm cách biến chế để ô thuyền di chuyển tàu bè qua đập, có thêm chức năng áp tải các loài cá qua đập (navigation lock/fish lock).
Tuy nhiên, các chuyên gia này tỏ ra không lạc quan và cho rằng dù tất cả những khuyến cáo trên được thực hiện, cũng không thể lấy đó làm bảo đảm là một số lớn các loài cá sẽ hoán trú lên thượng nguồn, vì đến nay khoa học và kỹ thuật vẫn chưa tìm ra một giải pháp hữu hiệu dành riêng cho các loài cá của sông Mekong.
Về hoán trú từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, nước trong hồ chứa chảy chậm, khiến cho trứng và các loài cá con không thể di chuyển xuống hạ nguồn kịp thời và thêm vào đó một số sẽ bị hủy diệt khi trôi vào các tổ máy phát điện.
Sau khi đập được xây, các vùng trú ngụ thiên nhiên trong đoạn sông phía thượng nguồn, như mõm đá, vực, vùng đất ngập, sẽ biến mất vì đoạn sông trở thành hồ chứa nước, không còn là những nơi thích hợp cho trú ẩn, sinh sản và tăng trưởng của một số loài cá, vì nhiệt độ của nước trong hồ thay đổi theo chiều sâu.
Toàn thể 6 đập thủy điện ở thượng Lào trong đó có đập thủy điện Xayaburi sẽ hủy diệt từ 23 đến 100 giống cá, tương đương với khối lượng 150 ngàn tấn/năm, do diện tích của khu vực hoán trú bị giảm đi 36%.Vì Xayaburi được xây đầu tiên nên tác hại gây ra sẽ đáng kể nhứt.
RFI : Về phẩm chất của nguồn nước ở hạ nguồn sông Mekong thì tác động của đập Xayaburi ra sao?
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Như đã trình bày ở phần trên, đập Xayaburi biến dòng nước tự nhiên chảy nhanh, với tốc độ thay đổi theo mùa, trở nên gần như không chuyển dịch trong hồ chứa; ở hạ nguồn các máy phát điện vận hành suốt ngày đêm với số turnbines hoạt động có thể thay đổi từ 1 đến 10, như thế sẽ làm cho mực nước trong hồ chứa và ở hạ nguồn thay đổi thường xuyên mỗi ngày, lên xuống khoảng 5m; điều này đã nhân thấy ở đập thủy điện Thác Yali của Việt Nam.
Hồ chứa của xây đập Xayaburi có diện tích 49 km2, nước sẽ phủ ngập và hủy diệt cây cỏ dọc hai bờ của đoạn sông dài 60-90km; hủy diệt cây cỏ sẽ làm cho nguồn nước trong hồ cạn kiệt dưỡng khí trong khoảng thời gian vài thập niên điều này dẫn đến sự giảm sút phẩm chất của dòng nước ở hạ nguồn trong một thời gian rất dài.
Theo ước tính của giới chuyên gia của MRC thì diện tích cây cỏ bị phủ ngập là 2000 hectare, trong khi bản đánh giá của Lào là 21 hectare, tức là 100 lần ít hơn; đây là một sai trái khác của Lào, ngụy tạo các dữ kiện để phủ nhận những tác hại thực sự gây ra bởi con đập.
Trên đây là những tác động tiêu cực mà đập thuỷ điện Xayaburi gây ra cho môi sinh và điều chỉnh thiết kế sẽ không hoàn toàn loại hẳn được.
RFI: Ông nhận định thế nào về thái độ của Việt Nam, dường như không còn chống dự án Xayaburi?
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Tin hai chánh phủ Cao Miên, Việt Nam thay đổi lập trường, không còn chống đối công trình Xayaburi như trước, gây sửng sốt và thất vọng cho cư dân trong lưu vực Mekong và giới bảo vệ môi trường.
Theo định nghĩa của Goodland 1997, thủy điện “run-of-river“ không có đập ngăn sông, không có hồ chứa, cũng như không làm thay đổi dòng chảy tự nhiện của con sông và điện phát ra từ các turnbines đặt ở đáy sông hay nằm dưới mặt nước và theo định nghĩa của Hill & Hill 1994, thuộc Điên lực Pháp, thì thủy điện run-of-river có hồ chứa nước rất nhỏ và thời gian hồ được làm đầy không quá 2 tiếng.
Qua hai định nghĩa trên, đập thủy diện Xayaburi với chiều ngang 830m, chiều cao 49m và hồ chứa trải dài 60-90km có dung tích 225 triệu m3; với dòng chảy trung bình 3900m3/sec hồ chứa sẽ được làm đầy trong 16 tiếng, như thế không thuộc loại ‘run-of-river”, một nhãn hiệu mang tính thân thiện với môi trường mà Lào cố tình thêu dệt cho con đập từng gây nhiều tranh cải này.
Ở đây ông Viravong đã sử dụng thuật chơi chữ để “che mắt và bịt miệng dư luận” về những tác động tiêu cực của đập Xayaburi và trước chủ tâm đánh lạc hướng quần chúng này, chúng ta thử hỏi tại sao MRC, với đầy đủ thành phần chuyên viên, lại không trình bày trước công luận những nhận định của họ về giá trị thật sự của công tác điều chỉnh thiết kế công trình Xayaburi và tại sao MRC, với chủ trương phát triển bền vững khu vực Mekong, lại lặng tiếng trước quyết định xây đập Xayaburi của Lào, để sông Mekong giờ đây trở thành “nơi trắc nghiệm” cho một số giả thuyết về thiết kế và xây dựng đập thủy điện? Điều này hoàn toàn đi ngược lại khuyến cáo của báo cáo “Đánh giá chiến lược về môi trường SEA” của “Trung tâm quốc tế quản lý môi trường” ICEM Australia; khuyến cáo này đã từng được MRC nhiệt liệt tán thành và phổ biến rộng rải trong quần chúng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Ảnh hưởng của địa chánh trị và tập đoàn tài chánh
Vì sao thỏa thuận vào tháng 12/2011 giữa 4 quốc gia thành viên Ủy hội Sông Mekong, yêu cầu chánh phủ Nhật trợ giúp tiến hành những nghiên cứu bổ túc, lại không được thực hiện? Phải chăng đó chỉ là một “chiến thuật trì hoãn” để các phe nhóm có thời gian mặc cả ở hậu trường và liệu địa chánh trị, cùng lợi ích của các tổ chức tài chánh quốc tế, có chi phối đến quyết định tiến hành xây đập thủy điện Xayaburi không?
Khu vực Mekong giờ đây được phát triển và thay đổi rất nhanh chóng, nhưng phần lớn dưới những ảnh hưởng từ bên ngoài, như chủ trương bành trướng thế lực trong vùng Đông Nam Á của các đại cường và sức mạnh của tiền tệ. Nhật Bản và Ngân hàng phát triển Á châu, trong kế hoạch phát triển Tiểu vùng Mekong Mở rộng GMS, đã và đang hổ trợ kế hoạch thiết lập cho toàn vùng một mạng lưới điện cao thế với nguồn điện năng cung cấp từ thủy điện của hai sông Irrawaddy (Miến Điện) và Mekong; trong khi đó Lào đang theo đuổi tham vọng trở thành “ Bình phát điện siêu năng vùng Đông Nam Á”.
Xayaburi chỉ là một “mắc” của chuỗi các đập thủy điện trong khu vực GMS và xây đập thủy điện Xaburi là bước đầu trên đường thực hiện kế hoạch khai thác tổng thể thủy điện vùng hạ lưu Mekong của MRC, từ nay đến năm 2030. Xayaburi là tiền lệ để 10 đập khác được xây tiếp. Tthực thế, Lào vừa hoàn tất công việc chuẩn bị cho đề án thủy điện Pak Beng ở phía Bắc Luang Prabang, và công trinh này sẽ do công ty Trung Quốc Datang International xây dựng. Thêm vào đó phần nghiên cứu khả thi cho đề án Don Sahong tại thác Khone ở biên giới Lào và Cao Miên cũng đã kết thúc.
RFI: Trước tình hình đó, quan điểm của Nhóm Nghiên cứu Văn hóa ĐNCL Úc châu là như thế nào?
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Là những công dân Úc gốc Việt, được sinh ra và trưởng thành ở vùng đất miền Tây Nam phần Việt Nam, chúng tôi muốn biết vì sao trong nhiều năm qua Úc châu đã dùng tiền thuế thu của dân, trước tiên để hỗ trợ những chương trình phát triển kinh tế/giảm nghèo trong châu thổ đồng bằng Cửu Long VN (công trình xây cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, và gần đây với chương trình viện trợ nghiên cứu khoa học CLUES giúp đồng bằng sông Cửu Long đối phó, thích ứng và phát triển bền vững trước những thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu) và kế đến là cùng với một số quốc gia khác tài trợ cho hoạt động của Ủy hội Sông Mekong, nhưng đứng trước quyết định Lào thực hiện một công trình có khả năng làm đổ vỡ kế hoạch giảm nghèo này của Úc, thì chánh phủ Úc lại chọn thái độ im lặng?
Về phía nhà cầm quyền VN, chúng tôi ước mong giới hữu trách quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của người dân miền Tây trong những thương thảo sắp tới về sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mekong, đừng để những bần dân này tiếp tục gánh chịu thêm thiệt thòi, vì châu thổ đồng bằng Cửu Long VN đã góp phần to lớn cho nền kinh tế của xứ sở, nhưng hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất công xã hội, với số người nghèo cao nhứt toàn xứ (ngoại trừ đồng bào thiểu số), số con em học sinh bỏ học rất cao và trong tương lai phải đối đầu với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhân đây, chúng tôi xin mạn phép nhắn gởi đến quốc gia làng giềng xứ chùa Tháp, là trong ván cờ thủy điện Mekong, Tonle Sap có chung số phận với đồng bằng Cửu Long. Trước đây ông hoàng Sihanouk đã sai lầm theo chân Bắc Kinh, sản sinh ra Khmer Đỏ để chính chế độ này tàn sát cả triệu người dân Khmer và ngày nay nếu ông Hun Sen lại nối tiếp đường lối ngoại giao này của ông cựu hoàng, ve vuốt ủng hộ âm mưu bá quyền của Trung Quốc nhằm kiểm soát sông Mekong, thì đầu tiên nguồn thủy sản dồi dào của Biển Hồ sẽ bị hủy diệt, khiến cho thêm hàng triệu người Miên bị đói rách, trước khi thảm họa xảy đến cho Việt Nam.
Những tác động tiêu cực có tính tích lủy và lan tỏa xuống hạ nguồn, gây ra bởi đập Xayaburi và chuỗi các công trình khác, sẽ đe dọa nền an ninh lương thực của VN và thế giới cũng như tạo ra muôn ngàn khó khăn cho khoảng 20 triệu đồng bào trong châu thổ ĐBCL VN. Tuy nhiên, hoàn cảnh thực tiển hiện nay cho thấy, mục đích của các cơ quan bảo vệ môi trường, các tổ chức phi chánh quyền NGO’s, những nhóm xã hội dân sự và của riêng Nhóm NCVHĐNCL nhằm vận động cho sự phát triển bền vững và bảo tồn những giá trị văn hoá của khu vực Mekong, ngày càng trở nên khó khăn và vô cùng thách thức.
RFI: Xin cám ơn tiến sĩ Huỳnh Long Vân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét