Ngày 6/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên vu cáo Việt Nam đuổi các tàu cá Trung Quốc ở vùng biển gần tỉnh Hải Nam, trong khi chính cặp tàu kéo dã cào của Trung Quốc gây đứt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 trên vùng biển Việt Nam.
Theo tin của Reuters, Hồng Lỗi còn khẳng định "tuyên bố của Việt Nam trái với thực tế" đồng thời yêu cầu Việt Nam "ngừng thăm dò dầu mỏ ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, cũng như không gây rối các tàu cá Trung Quốc."
Thực tế, vào lúc 4 giờ 05 ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 di chuyển ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để chuẩn bị khảo sát đã gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động.
Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu các tàu cá ra khỏi khu vực làm việc của tàu Bình Minh 02, một cặp tàu kéo dã cào mang số hiệu 16025 và 16028 của Trung Quốc đã chạy qua phía sau, gây đứt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 cách phao đuôi khoảng 25m.
Vị trí cáp bị đứt có tọa độ là 17º26 Bắc và 108º02 Đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía đông nam và cách đường trung tuyến Việt Nam-Trung Quốc 20 hải lý về phía tây.
Tàu Bình Minh 02 đã từng bị cắt cáp trước đây. Vào lúc 5 giờ 58 phút sáng 26/5/2011, trong khi tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị 3 tàu hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.
Tàu Bình Minh 02 từng bị 3 tàu hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc
cắt cáp thăm dò ngày 26/5/2011. Ảnh vnexpress.net
Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48’25” Bắc và 111o26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.
Ngày 4/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm một ngày trước đó để phản đối Trung Quốc về những hành động sai trái gần đây, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp".
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phản đối việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 và kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu công dân Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tàu Việt Nam, trong đó có các tàu khảo sát của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Trang mạng Boston.com và tờ New York Times cho rằng vụ tàu cá Trung Quốc cắt cáp tầu thăm dò trong dự án hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ buộc Việt Nam phải lên tiếng chỉ trích mà cả Ấn Độ cũng tuyên bố có thể xem xét việc phái tàu của hải quân tới bảo vệ lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc D.K. Joshi khẳng định Ấn Độ có lợi ích tại vùng biển này, do vậy "chúng tôi sẵn sàng có hành động thích hợp."
Với tuyên bố trên đây của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ và thông báo của Việt Nam từ ngày 25/1/2013 sẽ điều lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng để ngăn chặn việc tầu thuyền nước ngoài xâm phạm luật đánh bắt cá của Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh châu Á tại trường Đại học New South Wales (Australia) cho rằng cuộc tranh chấp ở biển Đông "có thể dẫn tới những va chạm" giữa các bên tranh chấp.
Minh Bích (theo TTXVN)
ĐVO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét