20/12/2012- Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, biết bao người lính đã vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi khi tuổi đời còn rất trẻ. Có anh chưa kịp yêu người con gái, có anh vợ ở đất liền chờ ngày về để đặt tên cho con, có anh bỏ lại sau lưng bố mẹ già yếu không nơi nương tựa…
Đó là 9 liệt sĩ ở tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân đã anh dũng hy sinh quên mình bảo vệ Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa của Tổ quốc.
1 – Cơn lốc định mệnh
Giữa sóng cuồng bão giật trong đêm đen, 6 cán bộ chiến sĩ Nhà giàn Phúc Tần bám vào chiếc phao bè rách tơi tả. Vừa chống chọi với bão tố, vừa cố giữ sức chờ tàu đến cứu. Giây phút cận kề cái chết, họ vẫn lạc quan hi vọng sẽ trở về đất liền bên vợ, con, gia đình. Câu chuyện nhà giàn Phúc Tần đổ cuốn phăng xuống biển 6 cán bộ chiến sĩ cách đây 23 năm về trước được thiếu tá Bùi Văn Bổng kể lại trong đẫm nước mắt.
Sóng dữ và đêm đen
Trong căn nhà tập thể do đơn vị cấp ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 Hải quân, thiếu tá Bùi Văn Bổng- người sống sót trở về sau cơn bão lốc bất ngờ đêm ngày 4 tháng 12 năm 1990 bồi hồi kể lại: “Nói thật, tôi trở về được là do may mắn bám được mảnh phao bè, chứ lúc ấy không nghĩ là mình còn sống. Trong thét gào của sóng gió, chúng tôi bị sóng quật tơi tả. Tất cả đều khóc. Không phải vì sợ chết, mà thương vợ, con, bố mẹ ở quê nhà, càng đau xót hơn là nhà giàn thân yêu của mình đã chìm xuống biển”.
Nhấp ngụm nước trà đặc quánh, anh Bổng bắt đầu hồi tưởng câu chuyện. Chiều ngày 4-12-1990, vùng biển thềm lục địa khu vực Phúc Tần bỗng khác thường. Phía Tây trời trong xanh ngăn ngắt, còn phía Đông từng mảng mây đen bất chợt kéo về, chẳng mấy chốc phủ kín bầu trời. Sóng gió nổi lên dữ dội. Nhà giàn Phúc Tần rung bần bật. Thượng úy Bùi Văn Bổng lúc đó là chỉ huy trưởng, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng giữ chức vụ chính trị viên. 2 anh đã động viên anh em, sẵn sàng đối phó với sóng bão.
Đến 20h đêm, một đợt sóng mạnh đã đánh bật tung sàn nhà ở. Những tấm gỗ mặt sàn tung tóe trôi trong nước. Sóng mỗi lúc một mạnh dần, mặt biển đen ngòm. Sóng ập vào nhà giàn ngày càng dữ dội. Nhà nghiêng dần, nghiêng dần sang phía Nam. Mọi vật dụng trên nhà bị xô lệch từ góc này sang góc khác. Chính trị viên Trần Hữu Quảng lệnh cho anh em mặc áo phao, sẵn sàng rời đi khi nhà giàn đổ. Nhưng áo phao chỉ còn năm cái trong khi anh em gồm tám người, những cái còn lại do lâu nay ngấm nước biển đã bị bục. Lúc đó trên nhà có một phao cứu sinh màu cam dạng đời cũ chất liệu bằng cao su. Anh em đã dùng miệng thổi, nhưng phao bị thủng lỗ chỗ nên không phồng lên được. Phương án tối ưu lúc này là dùng phao bè, loại phao bên trong là xốp, bên ngoài được bọc một lớp nhôm, hình vuông, có thể chở được một tiểu đội trong điều kiện sóng cấp 6 cấp 7. Chiếc phao bè thả xuống biển liền bị sóng đánh vỡ thành ba mảng.
Tình huống vô cùng gian nguy. Làm cách nào sống đây, nếu nhà đổ? Trong phút giây hiểm nghèo ấy anh Bổng đã chỉ huy anh em lấy dây thừng kết những tấm gỗ bung lên từ sàn nhà lại với nhau thành một chiếc bè, sẵn sàng rời biển. Anh còn căn dặn: “Nhảy xuống biển, anh em cố gắng bám chặt vào thanh gỗ, nhất định chúng ta phải sống và trở về, tàu sẽ đến cứu chúng ta”. Lời động viên ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ.
Có những phút hóa thành bất tử
Tôi xúc động khi đọc bài thơ “Sóng Trường Sa” của tác giả Phan Đăng (Hà Nội) trong bài viết dự thi “Cảm xúc Trường Sa” trên báo Tuổi trẻ ngày 1-11-2011. “Sóng nhắc chúng tôi về một người anh hùng có thật/ người đã nhường chiếc áo phao duy nhất/ cứu anh em mà quên cả thân mình/ giữa biển bao la cột sóng dựng thành hình”. Bài thơ ngợi ca người chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng hi sinh quên mình để cứu đồng đội giữa sóng cuồng bão dựt cách đây gần 22 năm về trước.
2g sáng ngày 5-12-1990, những con sóng như quả núi liên tiếp ập vào nhà khiến nhà chao đảo, trong tích tắc nhà giàn chìm vào đêm đen. Bổng hô to, “Tất cả lao ra khỏi nhà đi”. Anh em lao xuống biển một cách vô định, không biết bơi về đâu. Thượng úy Bổng cũng lao theo các chiến sĩ giữa đêm đen mịt mùng, áo phao bị sóng đánh tuột khỏi người, nhưng may mắn vớ được một mảnh phao bè.
Trời tối đen như mực, không ai nhìn thấy ai dù chỉ cách trong gang tấc. Tất cả nhận ra nhau bằng tiếng thét gào. Đúng lúc đó, Bổng nghe tiếng Hồ Thế Công và Phạm Xuân Quỳnh, Bổng hô lớn “Quỳnh ơi, Công ơi anh ở đây”, rồi rướn mình cho phao lao về phía trước. Công và Quỳnh đã bám được vào mảnh phao bè. Chiếc áo phao của anh Quỳnh bị sóng đánh rách mất một nửa, Công không còn đủ sức bám vào phao nữa. Bổng đã xé áo mình làm dây, buộc tay Công vào mảnh phao bè, nếu chết thì vẫn còn xác. Cả ba chiến sĩ bám vào phao bè suốt gần một đêm một ngày lênh đênh trên biển như thế, ai cũng động viên nhau cố sức bám trụ, chờ tàu đến cứu. Nếu không có tàu đến cứu thì sẵn sàng hi sinh, chìm vào lòng biển, vì không còn sức nữa. Trong khi đó ở một nhóm khác, chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng cùng y sĩ Lê Đức Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền bám vào thanh gỗ cố chống chọi với bão tố. Anh em lấy lương khô ăn để giữ sức. Lương khô mặn chát vì thấm nước biển. 18 giờ trôi trong bão tố, 18 giờ chống chọi với đại dương, 18 giờ xao động bao nỗi niềm riêng. Biết mình không trụ được nữa, anh Quảng đã nhường lại miếng lương khô cuối cùng và chiếc áo phao của mình cho đồng đội rồi chìm vào lòng biển. Có ngờ đâu, Là và Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó.
Ngay khi nhận được tín hiệu Nhà giàn Phúc Tần 3 bị đổ, Lữ đoàn 171 đã báo cáo Sở chỉ huy Hải Phòng và điều tàu HQ-711 khẩn cấp đi cứu hộ. Sau 20 giờ tăng tốc, ngụp lặn trong sóng gió, tàu HQ-711 đã cứu được Bổng, Quỳnh, Công tiếp tục tìm kiếm đến ngày thứ hai, thứ ba và những ngày sau đó, nhưng không thấy Quảng, Hiền, Là đâu nữa. Vậy là đã rõ, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, Y sĩ Lê Đức Là, nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền đã bị sóng dữ cướp đi, vĩnh viễn nằm lại biển xanh khi sự nghiệp đang còn dang dở. Đây là 3 cán bộ chiến sĩ hi sinh đầu tiên của Nhà giàn DK1. Ngoài ra, chiến sĩ Nguyễn Ngọc Báu – Báo vụ 1 và pháo thủ Lê Bá Trung sau nhiều giờ chống chọi với bão tố đã được tàu HQ – 711 ứng cứu.
Kể lại giờ phút đau buồn trong cơn bão ngày ấy, thiếu tá Bổng mắt đỏ hoe bảo: “Tôi không bao giờ quên được, đó là những giây phút bất tử của cuộc đời tôi”.
2 – Người lính quả cảm
Đêm 23 tháng Chạp năm 1991, cái đêm cúng ông Táo ấy không bao giờ quên đối với cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-666 trên vùng biển bãi cạn Tư Chính. Một tấm thân nhỏ bé bơi tìm dây mồi hòng cứu xuồng và đồng đội, bị sóng lừng nhấn chìm xuống đáy biển. Câu chuyện về liệt sĩ, Thuyền phó quân sự Phạm Tảo vẫn nguyên vẹn trong ký ức của Đại tá Hoàng Văn Tuyên, nguyên là Thuyền trưởng tàu HQ-666 ngày ấy.
Đêm định mệnh
Đại tá Hoàng Văn Tuyên – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân, không cầm được nước mắt khi kể lại câu chuyện 2 đồng đội của ông hi sinh trong cơn bão ngày 4-1-1991. Ông Tuyên bảo “Cuộc đời người lính trong thời bình cũng có nhiều gian nan, khó nhọc. Cái ngày tôi chỉ huy con tàu HQ-666 đi trực ở nhà giàn 1B bãi cạn Tư Chính không thể quên được. Cơn bão ngày ấy đã cướp 2 đồng đội của tôi, đó là Thuyền phó quân sự Phạm Tảo và Trung úy chuyên nghiệp, Máy trưởng Lê Tiến Cường”.
Tháng Chạp năm 1991, Đại úy Hoàng Văn Tuyên nhận lệnh cho tàu đi trực nhà giàn 1B ở khu vực bãi cạn Tư Chính. Sau hơn 2 ngày đêm hải trình, tàu HQ-666 thả neo bên cạnh nhà giàn. Những ngày giáp Tết, gió mùa Đông Bắc thổi về liên tục làm cho biển mịt mù trắng xóa, con tàu nhỏ bé cứ chồm lên, ngụp xuống trong sóng dữ. Đêm 23 tháng Chạp, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-666 mổ lợn đón Tết sớm. Chiếc đầu lợn đặt giữa khoang lái, anh em tập trung khấn vái thần linh theo phong tục của người đi biển. Lúc 22h30, trong khi mọi người bê đồ cúng ông Táo xuống, chiến sĩ quan sát báo cáo: gió thổi mạnh, thời tiết bất thường. Tất cả mọi người đổ ào ra lan can nhìn về phía Bắc. Trời tối đen như mực, sóng gió bất ngờ nổi lên ầm ầm, biển động dữ dội, tàu chao đảo. Những cơn sóng từ lòng biển cuộn lên mỗi lúc một lớn. Thuyền trưởng Tuyên lệnh báo động khẩn cấp, tàu cơ động chống sóng, sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Con tàu quá bé nhỏ so với những cột sóng cao hàng chục mét cứ lừng lững liên tiếp đổ ập xuống khoang tàu. Sức mạnh khủng khiếp của sóng đã đánh tan hệ thống tay vịn lan can của tàu quăng xuống biển. Sau hơn 3 giờ chống chọi, tàu HQ-666 nghiêng lệch một bên, nước bắt đầu tràn vào các khoang giữa. Tình huống vô cùng bất lợi. Thuyền trưởng Tuyên trực tiếp liên lạc với nhà giàn 1B yêu cầu thả dây mồi, lệnh thả phao bè và rời tàu. Sau khi xuống phao bè, bằng mọi cách bơi về phía nhà giàn 1B, chờ tàu đến cứu.
Trong sóng to gió lớn, các chiến sĩ lao xuống biển, bám vào phao bè, dùng tay làm mái chèo bơi vào hướng nhà giàn 1B, nhưng sóng lớn, nước chảy xiết, chiếc phao bè nhỏ bé trôi xa dần. Tình huống nguy kịch, không thể chết, phải nhanh chóng bằng mọi cách vớt được đầu dây mồi thả xuống từ nhà giàn 1B. Nghĩ vậy, Thuyền phó quân sự Phạm Tảo đã lao xuống biển bơi nhanh về hướng đầu dây mồi. Để tiếp sức cho đồng đội, Máy trưởng Lê Tiến Cường đã lao theo. Khi Tảo và Cường bơi gần đến đầu dây mồi, một con sóng như quả núi đổ ập xuống, nhấn chìm Tảo và Cường xuống biển sâu. Trong sóng dữ, mọi người nhìn Tảo và Cường chới với rồi chìm hẳn mà không làm gì được.
Ngày đón anh về
Ngay sau khi tàu HQ-666 bị nạn, chiến sĩ báo vụ 1 của nhà giàn 1B đã điện trực tiếp báo cáo sở chỉ huy đất liền. Lệnh từ Quân chủng Hải quân, tàu HQ-713 đang làm nhiệm vụ tuần tiễu trên biển nhanh chóng cơ động về nhà giàn Tư Chính 1B cứu nạn.
Sau hơn 2 ngày quần đảo tìm kiếm, xác anh Tảo vẫn bặt vô âm tín. Chiều tối ngày 25 tháng Chạp năm 1991, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-713 chuẩn bị neo đậu ăn cơm để tiếp tục cuộc tìm kiếm, bỗng chiến sĩ quan sát hô lên có một chớp sáng lóe lên từ phía trước, có thể đó là anh Tảo. Tàu HQ-713 tăng tốc, cách vật nổi chừng 30 mét. Thương ôi, anh Tảo giang 2 tay, mặt úp xuống đại dương, lập lờ trong sóng. Chớp lóe từ mặt nước ấy là ánh sáng của mặt đồng hồ xen-cô 5, hắt ra nhờ ánh hoàng hôn cuối chiều. Mọi người vớt anh lên đưa vào khoang số 1, nắn bóp chân tay thẳng lại. “Anh Tảo ơi, anh nằm đây mà hồn anh ở đâu”. Cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-713 không ai cầm được nước mắt. Chỉ cách đó gần 3 tháng, Tảo đã ở con tàu thân thương này, anh là người chỉ huy rắn rỏi, cương nghị. Còn hôm nay, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-713 đón anh về là liệt sĩ.
Ngay khi nghe tin tàu HQ-666 bị đánh chìm, anh Tảo và anh Cường hi sinh, từ quê nhà xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, mẹ anh gào khóc, còn bố anh nuốt nước mắt vào trong cứ đi ra đi vào rồi nhìn lên bàn thờ. Ông không muốn trên bàn thờ ấy có thêm một di ảnh nữa. Ngày anh Tảo đi bộ đội, bố mẹ anh rất hãnh diện, vì anh là người thông minh, hiếu thảo, ai ngờ anh Tảo ra đi mãi mãi ở tuổi 25 khi chưa kịp có một người bạn gái. Sau cú sốc lớn đó, mẹ anh gần như trở thành người tâm thần, căn bệnh tim của mẹ bắt đầu khởi phát.
Câu chuyện kể lại sau 20 năm phải dừng lại mấy lần bởi Đại tá Tuyên cố nén những cảm xúc nghèn nghẹn. Anh bảo: “Quê anh Tảo ở Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình), nếu có điều kiện thì chú ghé ra đó sẽ hiểu thêm, anh Tảo hi sinh nhưng hoàn cảnh gia đình tội nghiệp lắm”.
3 – Đêm xé lòng
13 năm trước, cơn bão lịch sử số 8 có tên quốc tế Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển thềm lục địa Bà Rịa – Vũng Tàu, cướp đi mạng sống của 3 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Trong cơn bão tố, khi cận kề cái chết, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng để biển cuốn đi. Câu chuyện về đêm xé lòng ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy- người sống sót trở về từ đêm bão tố ấy.
Ký ức không quên
Phòng truyền thống của Lữ Đoàn 171 Hải quân, hiện trưng bày chiếc phao bè bóp méo không còn nguyên dạng, đó hiện vật sống động, minh chứng sự gian khổ, hy sinh, kiên cường chống chọi với sóng cuồng bão giật của 9 cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A trong cơn bão lịch sử ngày 12 tháng 12 năm 1998.
“Trong cuộc đời người lính biển, tôi không thể nào quên được những giờ phút khốc liệt nhất chống chọi với sóng cuồng bão dựt giữa biển khơi trong đêm tối mịt mùng cách đây 13 năm về trước”. Nguyễn Văn Thủy, nguyên chiến sĩ báo vụ 2 Nhà giàn Phúc Nguyên 2A kể cho tôi nghe câu chuyện bằng những lời đầu tiên xúc động như thế.
13 năm trước, cơn bão lịch sử số 8 có tên quốc tế Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển nước ta. Sức gió mạnh cấp 12 giật trên cấp 12, vùng biển Thềm lục địa Bà Rịa Vũng Tàu đúng tâm mắt bão. Mệnh lệnh cấp trên: Tất cả các Nhà giàn DK1 chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với sóng gió và sự rung lắc mạnh, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà đổ.
Nhận được lệnh cấp trên, chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Nguyên 2A Đại úy Vũ Quang Chương đã nhanh chóng hội ý chi bộ, giao nhiệm vụ cho từng người. 16 giờ ngày 12-12-1998, trên vùng biển thềm lục địa không còn bóng một con tàu, tất cả đã đi tránh bão. Sóng mỗi lúc một lớn hơn. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm nhà giàn rung lắc mạnh. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió giật ầm ầm.
Trước tình hình phức tạp đó, đại úy Vũ Quang Chương đã bình tĩnh động viên anh em giữ vững tư tưởng, tổ chức cho các tổ chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng rời nhà.
18 giờ 30 phút, một con sóng lớn đánh trùm lên, làm nhà giàn nghiêng hẳn một bên, lắc lư như ngọn cây. Tình thế lúc này cực kỳ nguy kịch, những tấm gỗ lát mặt sàn bật tung, nhà giàn chao đảo, máy phát điện bị chập tắt ngấm. Chiến sĩ Hoàng Văn Thủy nhanh chóng vào phòng thông tin lên máy gọi đài canh Sở chỉ huy Quân chủng về tình hình sóng gió, khả năng trụ vững của Nhà giàn và đề nghị cho tàu đến cứu.
Sóng mỗi lúc một to, tất cả 9 anh em mặc sẵn áo phao, lấy giây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ, nhảy xuống biển, thì vẫn tìm thấy nhau, chết thì vẫn còn xác. Trong tiếng thét gào của gió mưa, Vũ Quang Chương hô lớn: “Tất cả phải thật bình tĩnh, bằng mọi cách phải nối thông tin liên lạc, mọi người sẵn sàng rời trạm, dùng bao gạo chèn vào chân giường”.
22 giờ ngày 12-12-1998, máy nổ vụt tắt lần 2 do sóng đánh chập điện. Dây ăng ten thông tin bị đứt. Chiến sĩ cơ điện nhanh chóng kiểm tra sự cố chập điện. Trong đêm tối mịt mùng, nhân viên báo vụ chiến sĩ Hoàng Văn Thủy, tay cầm đèn pin nhanh nhẹn cúi sát người, bò lên lan can cầu thang, lần mò nối lại dây ăng ten, sau đó tiếp tục liên lạc với sở chỉ huy đất liền và đài canh thông tin Quân Chủng. Lúc này, tất cả thông tin được nói trực tiếp qua máy I –Com chứ không qua qua mã dịch cơ yếu. Xác định không thể trụ thêm được nữa, Sở chỉ huy cấp trên quyết định cho các chiến sĩ rời nhà và yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Tiếng đại úy Vũ Quang Chương hô: “Tất cả rời trạm, tổ 2 thả phao bè xuống trước, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao”. Lúc đó là 0 giờ 30 phút ngày 13-12-1998.
Phút giây bất tử
Biết nhà giàn Phúc Nguyên 2A sẽ đổ, các chiến sĩ lúc đó rất lạc quan tin tưởng, chỉ chờ lệnh là lao xuống biển. Ai cũng chuẩn bị cho cuộc chống chọi với bão tố trong đêm đen và sẵn sàng hi sinh. Anh em vừa gói gém những đồ dùng cần thiết mang theo, vừa lấy lương khô ăn lót dạ cho ấm lòng. Chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy nói với An: “Tao chưa có vợ, tao chết cũng nhẹ nhàng. Ai có vợ rồi, phải cố gắng chống chọi và kiên cường còn trở về với vợ con”. Nguyễn Văn An còn bảo: “tao chết thì có gì đâu, chỉ thương là vợ tao mới đẻ, tao chưa biết mặt con. Thương nhất là anh Chương thôi, chưa có một mảnh tình vắt vai”. Không ngờ đó là lời nói cuối cùng của An trước lúc vĩnh biệt mọi người.
Sóng mỗi lúc một lớn, trời mịt mùng đen kịt. Tất cả anh em đứng ngoài lan can không dám ở trong nhà vì sợ nhà đổ bất ngờ, mọi người sẽ bị nước biển hút vào trong không ra kịp. Mỗi khi có con sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt, anh em lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ và sóng qua mau. Nhưng tất cả đều vô vọng. Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng. Tất cả mọi người ôm nhau khóc. Không thể trụ được nữa, Đại úy Vũ Quang Chương lệnh cho tốp 2 nhảy xuống biển cùng với mảnh phao cứu sinh cũ. Tốp 2 có Trung úy Dương Văn Hoan, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng, Thuật- chiến sĩ pháo thủ, và chuẩn úy Lê Đức Hồng, do Trung úy Hoan chỉ huy. Trong gió mưa gào thét, chuẩn úy Lê Đức Hồng tay bám vào lan can, quay mặt lại nhà giàn, rồi hướng ra biển hô to “vĩnh biệt đất liền” rồi lao xuống biển đen.
Trên nhà giàn lúc này chỉ còn Thủy, Chương và chiến sĩ cơ điện. Trước khi rời trạm Chương còn cẩn thận đóng tất cả cửa lại. Anh vẫn hi vọng nhà giàn sẽ không đổ, cuộc chống chọi với bão tố này sẽ có hy sinh, nhưng nhà giàn vẫn trụ vững. Anh mở tủ lấy lá cờ Tổ quốc mới nhất ôm vào ngực mình, đến trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Chúng tôi, cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2 A, một lòng trung thành với Đảng và Tổ quốc. Nếu đêm nay có đồng chí nào hi sinh cũng vì Tổ quốc. Chúng tôi chẳng tiếc thân mình. Xin gửi đất liền lời chào vĩnh biệt”.
Đại úy Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc vào lòng lao xuống biển trong tiếng gào thét của Thượng úy Nguyễn Xuân Mạnh, chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Nguyên 2B phát qua máy I Com sóng cực ngắn “Thủy ơi nhảy đi, nhảy đi nhà đổ rồi, nhảy đi”.
Giữa đêm đen không nhìn thấy gì dù trong gang tấc, Chương hô lớn: “Tất cả anh em bám chặt vào phao bè và ra khỏi vòng xoáy”. Đúng lúc đó một con sóng kinh hoàng dựng lên như vách núi đập mạnh làm cho nhà đổ hoàn toàn. Chương, An, và Hồng, bị hất tung không bám được vào dây nữa. Thủy chỉ nghe tiếng Chương kêu “Thủy ơi, cứu anh. Bám vào dây em ơi” rồi bị cuốn vào sóng dữ.
4 – Khúc bi hùng
Giữa đêm tối mịt mùng sóng dữ, các chiến sĩ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A cố bám vào mảnh phao bè, ăn tỏi, uống nước biển cầm hơi, chờ tàu đến cứu. Biết có thể sẽ vĩnh viễn nằm lại biển xanh, nhưng anh em động viên nhau đây là phút giây bình tĩnh nhất, phải chiến đấu với sóng dữ đến cùng.
Nước cất cầm hơi
Sau khi lao xuống biển giữa đêm đen mịt mùng sóng dữ, 9 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A không ai nhìn thấy ai dù trong gang tấc. Lúc đó đèn tín hiệu ở áo phao cá nhân cũng không có tác dụng vì bị sóng đánh vỡ. Ai bám được vật gì nổi trên biển thì cố bám chứ không nghĩ mình sẽ sống. Tất cả nhận biết nhau bằng giọng nói và lần cầm tay nhau.
Sau khi Đại úy Vũ Quang Chương bị biển nhấn chìm, chiến sĩ Hoàng Văn Thủy bám vào mảnh gỗ và bắt đầu chống chọi. Thủy là người khỏe, bơi giỏi nhất Nhà giàn khi ấy. Lúc đó Trung úy Dương Văn Hoan, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng, y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, chiến sĩ pháo thủ Thuật, đang bám vào mảnh phao bè đã vỡ. Thủy gọi: Thơ đâu. (Lúc này Thơ bám vào bao gạo đã bị sóng đánh ra xa), và anh em vừa tìm kiếm Thơ, vừa chống chọi với sóng dữ. Cứ như thế, cả đêm hôm đó, 5 con người trên chiếc phao cứu sinh nhỏ bé quần lộn với bão tố, ai cũng nghĩ nếu hy sinh, vẫn phải kiên cường, phải chống chọi đến hơi thở cuối cùng. Những phút nguy kịch nhất là những phút bình tĩnh nhất. Chiến sĩ Tôn nói với anh em: “Đất mẹ dưới chân chúng ta, Tổ quốc dưới chân chúng ta, nếu có chết cũng chết trong lòng đất mẹ”. Lời nói ấy như tiếp thêm sức mạnh và niềm tự hào cho các chiến sĩ. Ai cũng cố gắng bám chặt vào phao bè với hi vọng sống sót trở về. Bỗng Thủy phát hiện có 1 thanh gỗ trôi gần đó. Anh lao ra vớt thanh gỗ bẻ đôi làm mái chèo. Mọi người thay nhau chèo ra khỏi vòng xoáy nhưng thực ra chẳng biết chèo đi đâu. Đúng lúc ấy thì phát hiện thấy Thơ đang bám vào bao gạo, mặt nhợt nhạt. Thủy lao ra dìu Thơ và giúp anh trèo lên phao cứu sinh, cởi áo cho Thơ mặc. Thủy bình tĩnh lấy súng tín hiệu bắn 3 phát báo hiệu cấp cứu. Viên đạn cuối cùng Thủy đưa cho Trạm phó quân sự Dương Văn Hoan bắn, nhưng cơn sóng mạnh đã cuốn trôi súng khỏi tay anh Hoan. Cứ thế 5 anh em trên chiếc phao cứu sinh chống chọi với sóng gió. Trong lúc hoạn nạn ấy, chiến sĩ Hoàng Xuân Thủy vớt được một hộp nước cất, loại nước cất dùng để tiêm cho người bệnh, anh em chia nhau mỗi người một ống uống cầm hơi.
14 giờ kiên cường trong sóng dữ
Thiếu tá Nguyễn Hữu Tôn, nguyên là chiến sĩ quân y Nhà giàn Phúc Nguyên 2A sống sót trở về trong cơn bão ngày ấy nghẹn ngào kể lại: “Sau khi xuống biển, anh em đói và rét vô cùng. Ai cũng nghĩ mình sẽ phải sống và sống bằng được, nên cố bám vào phao bè, mặc cho sóng đánh tơi tả. Tôi bảo anh em, buộc tay mình vào phao bè, nếu hi sinh thì không mất xác. Trong đêm đen, chúng tôi không biết chèo đi đâu, mà cũng không còn sức để chèo nữa, chỉ biết mình cố bám vào phao và phải sống trở về đất liền. Ngay lúc cận kề cái chết, chiến sĩ Thủy còn lấy lương khô ăn với tỏi và động viên “ăn đi lấy sức mà bơi, không chết được đâu”. Lúc đó anh em rất bình tĩnh”.
Sáng hôm sau, sóng vẫn dữ dội. Tầm quan sát vô cùng hạn chế. Lúc sóng dâng lên cao chỉ nhìn xa được chừng 10 mét, lúc sóng hút sâu tất cả anh em ngập trong sóng sặc sụa. Bằng mọi giá phải sống, phải kiên cường để sống, nghĩ vậy, 6 cán bộ, chiến sĩ vừa cố bám vào mảnh phao bè, vừa chống chọi với bão tố suốt 14 giờ liên tục chờ tàu đến. 14 giờ kiên cường trong sóng dữ, 14 giờ thương nhớ, biệt ly, 14 giờ chết đi sống lại giữa ngàn trùng sóng dữ.
Nỗi đau người nằm xuống
Tại sở chỉ huy ở đất liền, ngay khi nhận tin Nhà giàn Phúc Nguyên 2A đổ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã trực tiếp chỉ đạo thành lập biên đội tàu gồm: HQ-624, HQ-608, HQ-606 và HQ-957 đang ở vị trí tránh bão nhanh chóng về tọa độ X và bằng mọi cách tìm kiếm cứu nạn. Sau nhiều giờ hải trình trong bão tố, tàu HQ-606 đến tọa độ X nhưng không thấy nhà giàn đâu nữa, ở đó chỉ một trời gió biển đau thương. Tất cả mọi người đều khóc, không biết tìm các chiến sĩ ở đâu giữa đại dương bao la này.
Thuyền trưởng Lê Văn Muộn túc trực trên cabin mắt đỏ hoe, nhận định: Có thể họ đã trôi rất xa so với tọa độ đầu tiên, phải nhanh chóng tìm bằng được kẻo không còn kịp nữa. Theo kinh nghiệm và phán đoán, thuyền trưởng Muộn cho tàu quay ngang cắt mũi về hướng Tây Bắc. Mọi người căng mắt quan sát, máy radar của tàu hoạt động hết công suất. Trên mặt biển lúc này có rất nhiều mảnh vỡ của gỗ, can nhựa, thùng xốp, vì đây là vệt bão quét. Khi mọi người phát hiện phía xa có mảnh phao cứu sinh, nghĩ sẽ có anh em Nhà giàn 2A đang bám vào đó, tàu chạy đến gần, nhưng vỡ òa thất vọng, bởi đó chỉ là mảnh phao bị sóng đánh tan tác. Trời ngả về chiều và tối dần, các chiến sĩ nhà giàn vẫn bặt vô âm tín. Bỗng trắc thủ radar báo cáo phát hiện từ xa có một vật nổi trên biển hướng tàu đang đi tới. Khi cách vật nổi ấy chừng 500 mét, chiến sĩ quan sát hô to: “Kia rồi, họ kia rồi các đồng chí ơi”. Lúc này 6 anh em trên chiếc phao bè mệt lả, quần áo rách tả tơi, da nhợt nhạt do sóng quần và ngâm lâu trong nước mặn. Thuyền trưởng Muộn chỉ huy thủy thủ trên tàu quăng phao tròn, tiếp sức từng người một, tất cả an toàn. Sau đó các anh được tắm rửa và ăn cháo để lấy lại sức. Lúc đó là 18 giờ 30 phút ngày 13-12-1998.
Tốp 1 đã được cứu vớt, lệnh Sở chỉ huy biên đội tiếp tục tìm kiếm tốp 2. Nhưng hết ngày thứ 2, ngày thứ 3 và những ngày tiếp theo vẫn không tìm thấy những người còn lại. Việc tìm kiếm tiếp tục bằng con đường ngoại giao, báo với các nước bạn vùng lân cận về những người bị mất tích thông qua Đại sứ quán. 6 tháng sau, không có sự trả lời của nước bạn về tin tức của các anh, vậy là đã rõ: Các anh đã hy sinh vĩnh viễn nằm lại biển xanh. Đó là Đại úy Vũ Quang Chương, chiến sĩ Nguyễn Văn An và chuẩn úy Lê Đức Hồng.
MAI THẮNG (ĐẠI ĐOÀN KẾT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét