Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Nga đẩy mạnh xuất khẩu tàu chiến cỡ nhỏ hướng tới biển Đông

13/12/2012- ANTĐ - Nga liên tục gia tăng các dự án chế tạo tàu chiến cỡ nhỏ không chỉ để sử dụng mà còn để xuất khẩu. Tất cả các phiên bản xuất khẩu của Nga đều có tính mở, cho phép khách hàng được tùy chọn gói thiết bị và vũ khí phù hợp với kết cấu cơ bản của tàu.

Ra mắt hàng loạt các dự án tàu chiến cỡ nhỏ

Bộ tư lệnh hải quân Nga thông báo: Sau khi hoàn tất cuộc thử nghiệm tại nhà máy đóng tàu Almaz ngày 04/12, tàu tuần tiễu Makhachkala thuộc lớp 21630 “Buyan” sẽ được đưa vào biên chế chính thức của lực lượng hải quân Nga. Con tàu này đã hoàn tất quá trình chạy thử và thử nghiệm cấp quốc gia trên biển. Trong lịch sử phát triển của mình, nhà máy đóng tàu Almaz đã sản xuất trên 1000 chiếc tàu hạng nhẹ các loại với chất lượng rất tốt.

Tàu tuần tiễu lớp 21630 được phát triển bởi Cục thiết kế Zelenodolsk (thuộc cộng hòa Tatarstan), triển khai đóng tại nhà máy đóng tàu Almaz, chủ yếu được dùng để bảo vệ khu đặc quyền kinh tế biển quốc gia trong phạm vi 200 hải lý. Makhachkala là chiếc thứ 3 thuộc lớp 21630, chiếc đầu tiên là Astrakhan hoàn thành năm 2006, chiếc thứ 2 là Volgodonsk được bàn giao năm 2011, cả 2 tàu này đều thuộc biên chế hạm đội Caspi của Nga.


Tàu tuần tiễu Astrakhan thuộc lớp 21630 “Buyan”

Cục thiết kế Zelenodolsk và nhà máy đóng tàu Almaz là thương hiệu nổi tiếng trong công nghiệp đóng tàu Nga, chuyên sản xuất các tàu tuần tiễu, tàu cao tốc, tàu tên lửa và tàu hộ vệ cỡ nhỏ, trong đó có một số loại đang phục vụ trong lực lượng hải quân Việt Nam như: Tàu tuần tiễu kiểu 10412 lớp Svetlyak, tàu hộ vệ đa năng Gepard 3.9…

Tàu tuần tiễu thuộc lớp 21630 “Buyan” có lượng giãn nước 570 tấn, tốc độ 26 hải lý/h, trang bị những hệ thống vũ khí tiên tiên nhất của Nga, có thiết kế giảm bộc lộ radar giúp tàu có tính năng tàng hình nhất định. Loại tàu này có tải trọng lớn hơn tàu tuần tiễu kiểu 10412 lớp Svetlyak của Việt Nam gần 200 tấn với tính năng trội hơn một chút.

Makhachkala là chiếc tàu thứ 5 thuộc 3 lớp tàu cỡ nhỏ khác nhau mà nhà máy đóng tàu Almaz bàn giao cho khách hàng trong năm 2012. Trong tháng 6-2012, nhà máy đã bàn giao 3 tàu cho hải quân Nga bao gồm: 01 tàu tuần tiễu ven bờ kiểu 22460, 02 tàu tuần tiễu ven bờ kiểu 12200 cho lực lượng biên phòng biển và đến tháng 9-2012 họ bàn giao tiếp 01 tàu tuần tiễu ven bờ kiểu 22460 cho lực lượng bảo vệ bờ biển Nga và cuối cùng là Makhachkala.


Tàu tuần tiễu Makhachkala là chiếc thứ 3 thuộc lớp 21630 “Buyan”

Ngoài các dự án đóng tàu trên Nga còn một loạt tàu chiến cỡ nhỏ rất phù hợp với các nước nghèo như Việt Nam, trong số đó nổi bật là tàu đổ bộ tấn công nhanh lớp 11770 “Serna”, 2 phiên bản tiếp theo của 21630 Buyan và tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 20380 (phiên bản xuất khẩu là 20382).

Tàu đổ bộ tấn công Serna có chiều dài 25,8m, lượng giãn nước 61 tấn, có thể mang theo 1 chiếc xe tăng hoặc 2 xe chiến đấu bộ binh hoặc một nhóm tác chiến hải quân đánh bộ 92 người. Loại tàu đổ bộ này cực kỳ phù hợp với tác chiến đổ bộ đánh chiếm, tái chiếm hoặc đổ quân chốt giữ đảo.

2 loại biến thể tiếp theo của 21630 Buyan là tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 21631 Buyan-M và tàu tuần tiễu lớp 21632 Tornado được nâng cấp vũ khí ngang tầm các tàu hộ vệ tên lửa hiện đại cỡ lớn của Nga. Đây chính là các dự án đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nước đang phát triển, ngân sách quốc phòng eo hẹp.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 21631 Buyan-M là phiên bản nâng cấp tiếp theo của Buyan. Loại tàu này có lượng giãn nước 950 tấn, trang bị 8 quả tên lửa hành trình chống hạm 3M-54 Kaliber và tên lửa phòng không 3M-47 Igla. Loại tàu này tuy có lượng giãn nước thấp hơn tàu hộ vệ Gepard 3.9 của Việt Nam nhưng hỏa lực không hề kém cạnh.


Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 21631 Buyan-M

Còn tàu tuần tiễu lớp 21632 Tornado là biến thể gần nhất của 21630 với 3 kiểu thiết kế tương ứng với 3 nhiệm vụ, được coi là loại tàu có tính năng thông dụng nhất vì Nga tùy theo nhu cầu của khách hàng mà đáp ứng sản xuất. 3 phiên bản của nó bao gồm: tàu pháo, tàu đổ bộ/chống đổ bộ hạng nhẹ và tàu tên lửa. Tàu pháo có tính năng tương tự lớp 21630, tàu đổ bộ/chống đổ bộ hạng nhẹ được trang bị thêm hệ thống pháo phản lực A – 215 Grad M (biến thể dùng trên biển của hệ thống pháo phản lực BM – 21), cỡ nòng 122mm, còn phiên bản tàu tên lửa có thể được lắp đặt 1 trong 2 loại tên lửa đáng gờm là 3M24 Kh-35 Uran-E và tên lửa hành trình đối hạm siêu âm Yankhont (mỗi loại 8 quả với 2 cụm, mỗi cụm 4 ống phóng 2 bên mạn, phần giữa tàu).


Nga đẩy mạnh xuất khẩu tàu chiến cỡ nhỏ cho ai?

Hiện nay, Nga liên tục gia tăng các dự án chế tạo tàu chiến cỡ nhỏ không chỉ để sử dụng mà còn để xuất khẩu. Tất cả các phiên bản xuất khẩu của Nga đều có tính mở, cho phép khách hàng được tùy chọn gói thiết bị và vũ khí phù hợp với kết cấu cơ bản của tàu. Từ trước đến nay, các loại tàu chiến Nga chiếm thị phần không lớn, khách hàng chủ yếu là các nước XHCN trước đây và bạn hàng cũ như: Algieria, Iran, Iraq, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…, hiện thị phần này đang ngày càng thu hẹp trước sự cạnh tranh quyết liệt của Mỹ, Anh, Pháp…


Tàu đổ bộ tấn công Serna lớp 11770

Do điều kiện ngân sách eo hẹp, Nga ít phát triển các loại tàu chiến hạng nặng mà tập trung chế tạo các tàu hạng trung và hạng nhẹ có lượng giãn nước từ 500 – 2000 tấn, với các loại hỏa lực rất mạnh. Vô hình trung, điều này cũng phù hợp với rất nhiều nước có ngân sách quốc phòng eo hẹp như Việt Nam, hoặc cần phát triển gấp lực lượng tàu chiến trong thời gian ngắn. Hiện nay, điểm nóng bùng nổ xung đột trên biển chủ yếu tập trung ở khu vực biển Đông, rõ ràng là người Nga đã bộc lộ ý định chuyển hướng sang Đông Nam Á trong định hướng xuất khẩu vũ khí của mình.

Trung Quốc đã bộc lộ tham vọng nuốt trọn biển Đông với hàng loạt hành động gây hấn trong thời gian gần đây, mức độ khiêu kích càng ngày càng gia tăng. Song song với nó, họ đang phát triển lực lượng tàu chiến hùng hậu nhằm uy hiếp các nước Đông Nam Á. Trước sự chèn ép của Trung Quốc, các nước nhỏ thuộc ASEAN tuy tiềm lực kinh tế yếu hơn rất nhiều nhưng họ cũng không chịu để yên cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Họ cũng nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển lực lượng hải quân theo kiểu “con nhà nghèo”, mua các tàu chiến cỡ lớn đã qua sử dụng và sắm hàng loạt các tàu nhỏ có tính năng cơ động cao, vũ khí trang bị hiện đại.

Thời gian qua, ngoài tự đóng mới tàu chiến, các nước này gấp rút tìm mua các loại tàu chiến hạng nặng đã qua sử dụng của các nước phương Tây mà không ký các hợp đồng đóng mới. Bề ngoài, điều này được lí giải là do tiết kiệm ngân sách nhưng thực chất chính là do sức ép về thời gian. Các tàu cũ không chỉ rẻ mà đã được kiểm chứng về tính năng, có thể sử dụng được ngay chứ không mất thời gian đóng rồi chạy thử như các tàu mới, điều đó xuất phát từ sức ép nâng cấp “thần tốc” lực lượng tàu chiến của các nước này chứ không đơn thuần là vấn đề giá cả.

Thời gian qua, liên tiếp Mỹ, Anh, Pháp… đã bán các tàu đã qua sử dụng cho Philippines, Indonesia, Singapore, thậm chí Đài Loan - vốn có nền công nghiệp đóng tàu hàng đầu châu Á cũng theo xu hướng này. Gần đây, Italia cũng bắt đầu để mắt đến thị trường vũ khí giá rẻ với hàng loạt hiệp định hợp tác quân sự song phương với Algieria (khách hàng cũ của Nga) và các nước Đông Nam Á là: Singapore, Philippines và sắp tới là Việt Nam…


Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 20380 (phiên bản xuất khẩu là 20382).

Tuy chậm chân hơn các nước khác nhưng Nga vẫn đang nắm giữ nhiều lợi thế lớn là họ có rất nhiều loại tàu cỡ nhỏ nhưng vũ khí hiện đại, giá rẻ, sản xuất nhanh, kèm theo các điều kiện hấp dẫn về tự chọn các loại vũ khí. Với thực lực của các nhà máy đóng tàu lớn của Nga như nhà máy đóng tàu Almaz - St Petersburg hoặc Vostochnaya Verf - Vladivostok…, 1 năm họ có thể sản xuất được gần chục tàu chiến dạng này, hơn nữa với điều khoản chuyển giao dây chuyền công nghệ, các nước Đông Nam Á hoàn toàn có khả năng tự gia tăng số lượng tàu của mình.

Việc Nga đẩy mạnh xuất khẩu các loại tàu chiến cỡ nhỏ là một chiến lược đúng đắn, không chỉ có lợi cho ngành công nghiệp đóng tàu Nga mà còn là thời cơ bằng vàng để các nước Đông Nam Á hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình. Về phần Việt Nam, những loại tàu này đều rất phù hợp với phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” và phương thức tác chiến linh hoạt, cơ động của hải quân Việt Nam, nó có thể trang bị cho các lực lượng hải quân, cảnh sát biển và các lực lượng chấp pháp biển của Việt Nam trong tương lai.

Nguyễn Ngọc/ An ninh Thủ đô
Mạng thông tin BTL hải quân Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét