Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Biển Đông bên bờ vực ‘ngoại giao chiến hạm’

11/12/2012- TPO – Những chính sách phi lý gần đây của cả chính quyền T.Ư và địa phương Trung Quốc đang đưa Biển Đông tới bờ vực “ngoại giao chiến hạm” (gunboat diplomacy) và có thể châm ngòi cho xung đột cục bộ.


Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một lần tập trận trên Biển Đông. Ảnh: AP.

“Ngoại giao chiến hạm” từ thế kỷ 19 nay đột nhiên được nhắc đến nhiều khi các nước, vùng lãnh thổ lớn nhỏ cùng hướng ra biển (kể cả quốc gia không có biển). Đây được xem là điều lạ bởi trong khi mọi dự báo đều nói tới chiến tranh mạng, robot, máy bay không người lái trong thế kỷ 21, thì Biển Đông trở nên nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Mỹ đã chính thức “bước vào” Biển Đông khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố tại Hội nghị an ninh khu vực châu Á (tổ chức tại Hà Nội tháng 7 - 2010) rằng Mỹ sẽ tham gia cùng Việt Nam, Philippines và các nước khác để chống lại các nỗ lực “thống trị” trên biển của Trung Quốc. Ấn Độ cũng không ngán gì Trung Quốc khi vừa tuyên bố sẵn sàng điều lực lượng hải quân hùng mạnh của nước này tới bảo vệ các lợi ích của họ trên Biển Đông.

Những tuyên bố này dường như làm Trung Quốc “nóng gáy” và đẩy nhanh những hành động phi lý trên Biển Đông. Việc Trung Quốc tung ra đường lưỡi bò 9 đoạn ôm gần trọn Biển Đông, in hình đường lưỡi bò lên hộ chiếu, chính quyền tỉnh Hải Nam sẽ tung lực lượng cảnh sát ra chặn và kiểm tra tàu thuyền nước ngoài trên Biển Đông...vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong khi Việt Nam, Philippines cùng các nước và vùng lãnh thổ liên quan đã có những phản ứng khá rõ ràng, quyết liệt.

Tuy nhiên, Trung Quốc thường “né” bằng cách không quốc tế hoá vấn đề Biển Đông và chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng quốc gia. Chính báo chí Indonesia đã chỉ trích quan chức nước này đã quá ảo tưởng khi đề xuất với Trung Quốc về việc lập đường dây nóng ngăn chặn xung đột trên Biển Đông. “Chúng ta đã sai. Chúng ta đang đối mặt với một nước lớn và ngạo mạn”, học giả Aleksius Jemadu, Hiệu trưởng trường chính trị xã hội thuộc Đại học Pelita Harapan (Indonesia) nói.


Bộ đôi tàu chiến Việt Nam thế hệ cũ vừa được nâng cấp sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Trí Đường.

Từ song phương tới địa phương

Không những tuân thủ triệt để nguyên tắc song phương để chia rẽ các nước ASEAN, Trung Quốc vừa tung ra chiêu mới khi “làm ngơ” cho chính quyền địa phương (tỉnh Hải Nam) đưa ra quy định phi lý là là từ 1 -1 – 2013 trao quyền cho cảnh sát địa phương (không phải lực lượng hải quân quốc gia của Trung Quốc) được phép chặn và kiểm tra tàu thuyền nước ngoài trên trên Biển Đông.

Quyết định của tỉnh Hải Nam được quan chức tỉnh này lý giải là đã gửi lên cho chính quyền trung ương xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm (hoặc có thể không cần hồi âm). Hiển nhiên, Mỹ và Ấn Độ cùng nhiều cường quốc trên biển khác bày tỏ quan ngại vì quyết định này ảnh hưởng tới các tuyến hàng hải chạy qua Biển Đông.

Ông Wu Shichu, Giám đốc Sở ngoại vụ Hải Nam, Giám đốc Viện nghiên cứu biển Đông, còn tuyên bố mục tiêu chính của quyết định trên là nhằm đối phó với tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuyên bố gây sốc này được đăng tải trên nhật báo uy tín của mỹ Wall Street Journal gần đây. Trong khi đó, tờ Philippine Asia Inquire ngày 10 – 12 đặt vấn đề: Tàu chiến của chúng ta (Philippines) sẽ phản ứng thế nào khi bị chặn và kiểm tra trên Biển Đông? Theo tờ báo này, xung đột có thể xảy ra trong tình huống đó và Biển Đông đang trên bờ vực của “ngoại giao chiến hạm”.

Còn nhớ trên tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 28 – 6 – 2012, một quan chức Trung Quốc còn tuyên bố sẽ tung 100.000 ngư dân và 5.000 tàu cá ra Biển Đông. “Nếu vũ trang cho ngư dân, cung cấp vũ khí cho họ, chúng ta sẽ có lực lượng quân sự mạnh hơn lực lượng của tất cả các nước trên Biển Đông kết hợp lại”, quan chức này tuyên bố.

Tuyên bố trên và sau đó là hành động được xem là chính sách “ngoại giao chiến hạm” mang đặc trưng của Trung Quốc. Để đối phó với “ngoại giao chiến hạm’ kiểu Trung Quốc, quan chức cấp cao quân đội Ấn Độ cho biết nước này sở hữu tới 42 tàu chiến, tàu ngầm hiện đại sẵn sàng bảo vệ lợi ích của họ trên Biển Đông và mỗi năm sẽ tăng thêm 5-6 tàu chiến.


Việt Nam dồn lực lượng để bảo toàn lãnh thổ

Về phía Việt Nam, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phát biểu trước cử tri ở Hải Phòng rằng chúng ta đang và sẽ phải dồn sức, dồn lực lượng để bảo toàn lãnh thổ. “Chúng ta có tàu công suất lớn, đi được trong mọi điều kiện thời tiết. Cả thế giới biết chúng ta sắp có tàu ngầm hiện đại, chúng ta cũng không giấu giếm gì. Chúng ta làm hết sức mình để giữ hòa bình, bằng ngoại giao, bằng mọi biện pháp, nhưng chúng ta phải tự vệ. Nước ta có hơn 1 triệu km2 biển, bờ biển dài hơn 3.200 km, chúng ta phải có lực lượng. Đường lối quốc phòng của chúng ta là tự vệ, tự vệ bằng sức mạnh của toàn dân. Nhưng phải có lực lượng nòng cốt đó là quân đội. Quân đội phải xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Một số lực lượng phải đi thẳng vào hiện đại như tên lửa, tàu ngầm, hải quân, không quân”, Thủ tướng cho biết.


Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét