Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Thời báo Hoàn cầu: Việt Nam "ăn cắp" tài nguyên của Trung Quốc

11/12/2012- TPO - Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 11-12 đăng bài bình luận lớn tiếng vu cáo Việt Nam "ăn cắp" tài nguyên của Trung Quốc và thậm chí còn cổ vũ cho hành động quấy phá phi pháp của nước này trên Biển Đông.


Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên Biển Đông.

Với luận điệu hiếu chiến như đã từng, bài viết của Thời báo Hoàn cầu có tựa đề “Việt Nam xem nhẹ ý chí bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, cáo buộc Việt Nam đã "ăn cắp" tài nguyên của Trung Quốc trên vùng Biển Đông giàu tài nguyên với sự giúp sức của "nước thứ ba". Bài báo thậm chí kêu gọi Trung Quốc tiếp tục sử dụng những hành động có “cường độ nhẹ” để quấy phá hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở biển Đông, đồng thời tung hỏa mù về cách phản ứng của Trung Quốc.

“Chúng tôi không biết liệu tàu Trung Quốc có cố ý cắt cáp thăm dò gắn phía sau tàu Việt Nam hay không. Nhưng ngay cả khi họ cố ý, thì người dân Trung Quốc vẫn ủng hộ cách hành xử này”, bài báo viết theo kiểu hiếu chiến và tung hoả mù.

Tờ báo này còn cho rằng so với các nước khác, Việt Nam là nước "bạo dạn" nhất trong việc thăm dò khai thác dầu ở biển Đông thông qua sự hợp tác với công ty dầu khí của nước thứ ba trong khu vực đường lưỡi bò 9 đoạn mà tờ báo tự cho là "lãnh thổ' của Trung Quốc.

Kỳ lạ hơn, Thời báo Hoàn cầu còn cáo buộc Việt Nam và Philippines đã châm ngòi cho tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc. Sau đó, bài báo doạ dẫm rằng Trung Quốc cương quyết hơn bao giờ hết trong bảo vệ chủ quyền nên Việt Nam và Philippines đừng trông đợi Trung Quốc thoái lui dưới “cái gọi là áp lực quốc tế”.

Bài bình luận cũng mạo danh toàn thể nhân dân Trung Quốc với đoạn: “Họ phải hiểu dư luận quần chúng Trung Quốc là trên hết. Bảo vệ chủ quyền Trung Quốc là ý chí chung của 1,3 tỉ công dân Trung Quốc”.


Thời báo Hoàn cầu - ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo.

Tàu Bình Minh 02 của Việt Nam vốn bị hai tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 16025 và 16028 làm đứt cáp ngày 30 -11 khi đang tiến hành thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (tại tọa độ 17026,2’ vĩ tuyến Bắc, 1080 02’ kinh tuyến Đông, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) khoảng 43 hải lý).

Vụ làm đứt cáp tàu Bình Minh 02, cũng như việc chính quyền cấp tỉnh cho phép cảnh sát địa phương chặn kiểm tra tàu nước ngoài trên Biển Đông, phát hành bản bản đồ cái gọi là “thành phố Tam Sa” của phía Trung Quốc đã bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10.2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình biển Đông thêm phức tạp".

Ông Lương Thanh Nghị cho biết, ngày 3.12.2012, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.

Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét