3.12.2012- Theo các nhà phân tích Trung Quốc, Bắc Kinh chú ý theo dõi cuộc đàm phán giữa Nga và Việt Nam về việc hải quân Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh. Gần đây, tờ "Hoàn cầu thời báo" của Trung Quốc đã đăng tải bài báo nhan đề là "Nga trở lại Cam Ranh chưa hẳn đã là điều xấu." Lịch sử quan hệ trong tam giác Matxcơva-Bắc Kinh-Hà Nội chưa bao giờ là đơn giản. Vì vậy, phản ứng trung lập của phía Trung Quốc trước khả năng hạm đội Nga có thể trở lại Cam Ranh càng gây chú ý. Sau đây là phân tích tình hình của ông Alexander Lukin, Giám đốc Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga.
Kể từ khi CHND Trung Hoa được thành lập, Matxcơva và Bắc Kinh đã ủng hộ cuộc đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam chống thực dân Pháp và sau đó là chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Sự hỗ trợ này tiếp tục được duy trì, ngay cả sau khi mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc gián đoạn vào năm 1960. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam thống nhất, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên xấu đi. Nghịch lý thay, sau chiến tranh Việt Nam, mối quan hệ giữa ba nước xã hội chủ nghĩa đã được xác định bởi các đặc điểm địa chính trị hơn là bởi ý thức hệ. Nước Việt Nam thống nhất bắt đầu đòi hỏi vai trò lớn hơn trong khu vực, chống lại tham vọng của Bắc Kinh muốn trở thành nhà lãnh đạo của phong trào cộng sản châu Á. Đáp lại, Trung Quốc quyết định dựa vào chế độ đẫm máu "Khmer đỏ" ở Cam-pu-chia, nước láng giềng của Việt Nam, xúi giục nước này xung đột với Hà Nội. Khi quân đội Việt Nam lật đổ chế độ "Khmer đỏ", Trung Quốc lên kế hoạch “dạy cho Việt Nam bài học đẫm máu", nhưng rồi phải chịu thất bại nhục nhã trong cuộc xung đột quân sự tháng 2 năm 1979. Đây là cuộc xung đột vũ trang đầu tiên trong phe xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội vẫn còn căng thẳng. Cản trở chính là tranh chấp lãnh thổ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Việt Nam đang lo ngại trước sự gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cũng như sự tăng cường vị thế của Bắc Kinh trong khu vực và thế giới. Hà Nội bắt đầu tìm đồng minh để kiềm chế ông bạn cũ xã hội chủ nghĩa. Do đối thủ địa chính trị Trung Quốc là Mỹ, Việt Nam phải tìm kiếm sự thông cảm ở những kẻ thù cũ. Hoa Kỳ cũng đang tìm kiếm đối trọng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, nên cũng quan tâm rất lớn đến việc hợp tác với Việt Nam.
Về vấn đề này, cuộc tranh luận xung quanh việc sử dụng căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam được quan tâm đặc biệt. Cho đến năm 1972, cảng này được quân đội Mỹ sử dụng. Sau khi Mỹ thất bại ở miền Nam Việt Nam, căn cứ thuộc quyền kiểm soát của quân đội Bắc Việt Nam, và năm 1975 được giao cho Liên Xô sử dụng miễn phí. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, trên thực tế Cam Ranh thuộc quyền sử dụng của hải quân Nga và kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2002, để tiết kiệm chi phí, cảng được đóng cửa hoàn toàn. Từ năm 2003, bắt đầu các cuộc đàm phán về việc tàu Mỹ sử dụng cảng Cam Ranh. Tháng 6 năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, bộ trưởng đầu tiên của Lầu Năm Góc đến thăm nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định mối quan tâm của Hoa Kỳ trong việc sử dụng cảng Cam Ranh.
Bắc Kinh có thái độ bất bình trước kế hoạch hợp tác quân sự Mỹ-Việt, nhìn nhận bước tiếp theo của Mỹ là thành lập hệ thống nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc và xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Bởi vì, mặc dù Hoa Kỳ không chính thức ủng hộ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, cả hai nước đều tán thành khả năng hòa giải quốc tế, trong khi Trung Quốc kiên quyết phản đối việc quốc tế hóa xung đột.
Do vậy, Bắc Kinh rất quan tâm theo dõi kế hoạch hạm đội Nga quay trở lại Cam Ranh. Vấn đề thành lập cơ sở hậu cần của Hải quân Nga đã được thảo luận, đặc biệt là trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vào đầu tháng 11 năm 2012. Theo tuyên bố của Thủ tướng Nga với các nhà báo, cuộc tranh luận về vấn đề này sẽ còn tiếp tục.
Trung Quốc đã chấp nhận các tin tức trên với những cảm xúc lẫn lộn. Một mặt, Bắc Kinh ghen tị theo dõi sự tăng cường mối quan hệ giữa Moscow và Hà Nội. Đặc biệt, Trung Quốc không hài lòng trước sự hợp tác giữa các công ty Nga và Việt Nam trong khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa, mặc dù Moscow đã tuyên bố sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong các vùng lãnh thổ tranh chấp. Mặt khác, đối với Trung Quốc, sự hiện diện của hải quân Nga thân thiện ở Cam Ranh dù sao cũng có lợi hơn so với sự hiện diện của hạm đội Hoa Kỳ.
Có lẽ Trung Quốc nghiêng về ý kiến thứ hai hơn. Bài viết đăng trong "Hoàn cầu nhật báo" cũng chứng tỏ điều đó. Tác giả của nó, nhà phân tích Li Jian trong khi mạnh mẽ chỉ trích Việt Nam có kế hoạch quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ, lại kiềm chế hơn khi nói đến Nga. Ông ta cho rằng tuy sự hiện diện của quân đội Nga trong khu vực sẽ làm cho tình hình thậm chí trở nên phức tạp hơn, nhưng đồng thời điều đó có thể cung cấp cho Trung Quốc nhiều không gian hơn để cơ động.
Những đánh giá như vậy ghi nhận sự trung thành của chính sách của Nga đối với việc phát triển quan hệ xây dựng với tất cả các nước trong Châu Á-Thái Bình Dương mà không can thiệp vào các xung đột khu vực. Như đã biết, trong các tranh chấp khu vực Nga sẽ không đứng về phía nào. Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga và đối với Matxcova, mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, cũng như phát triển quan hệ đối tác cùng có lợi với các nước châu Á-Thái Bình Dương khác cũng đáp ứng lợi ích quốc gia của Nga và không kém phần quan trọng.
Quan điểm của tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ban biên tập đài "Tiếng nói nước Nga".
Tiếng nói nước Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét