Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

VN yêu cầu TQ bồi thường thiệt hại vụ cắt cáp

04/12/2012- 4 ngày sau sự kiện tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp trong khu vực đảo Cồn Cỏ (Vịnh Bắc Bộ) thuộc vùng biển chủ quyền Việt Nam, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội công hàm phản đối hành động của tàu cá Trung Quốc.


Cáp tàu Bình Minh 02 bị đứt. Ảnh: Petrotimes

PetroVietnam cho hay tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam để đánh bắt hải sản ngày càng nhiều, ở khu vực từ Cồn Cỏ đến Nam Tri Tôn có ngày lên tới hơn 100 lần.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Ngoại giao còn yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại.

Trước đó, theo báo cáo của đại diện Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN), ông Phạm Việt Dũng, Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò - phụ trách Văn phòng Biển Đông cho biết, tàu cá Trung Quốc đã bất chấp tín hiệu cảnh báo của tàu Bình Minh 02, đã chủ động chạy phía sau, cách phao đuôi 25m nhằm khiến cáp địa chấn của Bình Minh 02 bị đứt rời. Vị trí cáp bị đứt có tọa độ là 17º26 Bắc và 108º02 Đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía đông nam và cách đường trung tuyến Việt Nam - Trung Quốc 20 hải lý về phía tây.

“Sau việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã có biện pháp thích hợp để tăng cường bảo vệ”, ông Hải nói.

Năm ngoái, ngày 26/5, tàu này đang hoạt động bình thường trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam thì bị ba tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn. Địa điểm xảy ra sự việc cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên 120 hải lý.

Đây là hành động cần đặc biệt lên án, nhất là ngay sau khi đại diện tỉnh Hải Nam – ông Ngô Sĩ Tồn trắng trợn tuyên bố với báo chí quốc tế về kế hoạch tăng quyền cho cảnh sát biển, không ngoài mục đích ngăn chặn tàu cá Việt Nam hoạt động tại Hoàng Sa.

Trong thời gian gần đây Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong việc đòi chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp sự vô lý trong tuyên bố của họ cũng như sự phản đối mạnh mẽ của các nước có liên quan.

Từ đầu năm nay, Trung Quốc in bản đồ có yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông, thường được gọi là "đường lưỡi bò" lên mẫu hộ chiếu mới. Yêu sách này đòi chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bị tất cả các nước liên quan phản đối. Việt Nam và các nước như Philippines, Indonesia và Mỹ đã khẳng định không chấp nhận hoặc bày tỏ quan ngại về bản đồ này. Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, việc in hình lưỡi bò phản tác dụng, không có ý nghĩa gì trong việc tranh chấp biển Đông. Mỹ cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ việc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu và khẳng định “sẽ nêu mối quan ngại này với Trung Quốc”.

Yêu cầu 'Giáo dục công dân'

Đại diện của PetroVietnam là ông Phạm Việt Dũng, Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò - phụ trách Văn phòng Biển Đông, cũng nói trên tờ PetroTimes rằng PetroVietnam "phản đối hành động xâm hại tàu Bình Minh 02 của tàu cá Trung Quốc và kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu phía Trung Quốc giáo dục công dân Trung Quốc tôn trọng vùng biển Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tàu Việt Nam, trong đó có các tàu khảo sát của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam".

Ngày 3/12, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ D.K. Joshi đã tái khẳng định với báo giới tại New Delhi, nếu bị đe dọa Ấn Độ sẵn sàng bảo vệ các lợi ích dầu mỏ của tập đoàn ONGC ở Biển Đông bằng các hành động cụ thể.

Tin tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét