Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Trung Quốc trả đũa Luật Biển Việt Nam?

07/12/2012- Tuần Việt Nam trò chuyện với Giáo sư Carl Thayer về mối liên quan giữa những động thái mới đây của Trung Quốc tại Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer

Trung Quốc muốn giành chấp nhận về chính trị

- Theo ông, hành động của Trung Quốc cho in và lưu hành loại hộ chiếu có tấm bản đồ, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ẩn chứa thông điệp gì, trong khi ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), và hướng tới xây dựng một qui tắc ứng xử (COC)?

Giáo sư Carl Thayer: - Đó là một nỗ lực nữa của Trung Quốc nhằm củng cố cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với Biển Đông. Tấm bản đồ in trên hộ chiếu không có giá trị pháp lý, chiểu theo luật pháp quốc tế. Bởi chức năng của hộ chiếu là xác định những người mang hộ chiếu là công dân nước nào và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của họ từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Những tấm hộ chiếu mới này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách chủ quyền khác trên Biển Đông. Hơn nữa, đây là hành động đơn phương, hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Những lo ngại, rằng việc đóng dấu lên tấm hộ chiếu có in tấm bản đồ là sự đồng ý với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, là không có cơ sở về phương diện pháp lý. Tuy nhiên, về phương diện chính trị thì khác.

- Có mục tiêu hướng tới sự chấp nhận về chính trị?

- Đúng vậy.

- Ông đánh giá thế nào về phản ứng của phía Việt Nam khi chỉ đóng dấu lên tờ visa rời?   

- Tôi tán thành việc đó. Mặc dù, tôi đã gợi ý trước đó, Việt Nam nên đóng dấu lên tấm hộ chiếu tuyên bố rằng "Việc cho phép (công dân Trung Quốc) nhập cảnh không làm tổn hại đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa".

Việt Nam đã nghĩ ra cách khôn ngoan hơn, bởi đó là vấn đề quyền chủ quyền. Đây là biện pháp bất đắc dĩ của Việt Nam trước hành động của Trung Quốc. 

Nếu Việt Nam từ chối chấp thuận hộ chiếu Trung Quốc, rất có khả năng Trung Quốc sẽ có hành động trả đũa.

Trung ương hay địa phương?

- Thế còn việc ngày 27.11.2012 vừa qua, chính quyền tỉnh Hải Nam đã thông qua cái gọi là "Điều lệ quản lý trị an biên phòng bờ biển Hải Nam", cấm tàu thuyền đi vào vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình?

Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Nam, khi trả lời báo New York Times (đăng ngày 1.12.2012) đã nói rằng qui định mới này chỉ chủ yếu áp dụng cho “tàu thuyền đánh cá bất hợp pháp của Việt Nam”.

Hành động của chính quyền tỉnh Hải Nam là hợp lệ theo luật quốc tế, nếu chiểu theo qui đinh về lãnh hải kéo dài 12 hải lý. Thế nhưng, qui định này lại là đối tượng phán xử tại tòa án quốc tế, nếu nó được áp dụng cho vùng nước tranh chấp.

Theo ý kiến của riêng tôi, hành động của chính quyền tỉnh Hải Nam không nhất thiết đã có sự phê chuẩn trước bởi chính quyền Trung ương. Bởi chính quyền Trung ương của Trung Quốc xưa nay luôn gặp khó khăn trong việc áp đặt quyền kiểm soát đối với cái mà họ gọi là “Chín con rồng” (chín cơ quan của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông luôn cạnh tranh ảnh hưởng với nhau – cụm từ ám chỉ sự thiếu phối hợp của 9 cơ quan này trong những sụ việc liên quan tới Biển Đông - NV).

Sự kiểm soát này càng khó khăn trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc phát triển tới mức cực đoan.

- Thế còn trường hợp tàu Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 2?

Điều tôi thấy lạ là phản ứng khác nhau của phía Việt Nam. Tổng Giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tuyên bố rằng đây là một vụ “vô tình làm đứt cáp”, trong khi Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm phản đối.

Trả đũa Luật Biển Việt Nam?

- Ông nghĩ thế nào về những bước leo thang liên tiếp của phía Trung Quốc trong thời gian gần đây, từ cho lưu hành loại hộ chiếu có “đường lưỡi bò”, qui định mới của tỉnh Hải Nam, và vụ gây đứt cáp tàu dầu khí Bình Minh 2? Liệu có một thông điệp gì đó của Trung Quốc đối Việt Nam, cũng như với các thành viên khác của ASEAN, có yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông, không? Nhất là trong bối cảnh Mỹ đang thể hiện sự trở lại khu vực này một cách mạnh mẽ hơn, và họ thì đang kéo được những nước như Cam-pu-chia ngả về phía họ.

Tôi vẫn chưa có đầy đủ cơ sở để lập luận rằng ba sự cố nói trên – hộ chiếu, qui định mới của chính quyền Hải Nam, và vụ đứt cáp – là một phần của một chính sách đã được bàn tính trước của chính quyền trung ương Trung Quốc. Chúng ta phải chờ xem những qui định mới này của Hải Nam sẽ được áp dụng như thế nào vào đầu năm tới, như họ đã tuyên bố.

Và chúng ta cũng phải chờ xem Trung Quốc phản ứng thế nào đối với bức công hàm phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam liên quan đến vụ cáp tàu Bình Minh 2. Cá nhân tôi nghi ngờ khả năng Trung Quốc sẽ nhận lỗi. Trung Quốc chắc hẳn sẽ kết tội tàu Bình Minh 2 đã hoạt động trên “vùng nước của Trung Quốc”.

Còn hộ chiếu mới của Trung Quốc, không còn nghi ngờ gì nữa, đã được phát hành trước đó một thời gian, như một hành động trả đũa trước việc Luật Biển của Việt Nam được thông qua.

Trong khi đó, Trung Quốc đang chơi rắn với Philippines. Ngoại trưởng Philippines del Rosario nói rằng phía Trung Quốc đã nói với ông ta, rằng Trung Quốc sẽ chiếm đóng bãi cạn Scarborough vĩnh viễn, thông qua việc duy trì đội tàu Hải giám ở đó. Trung Quốc cũng bảo Philippines không được quốc tế hóa tranh chấp giữa hai nước.

Đặc biệt, Trung Quốc bảo Philippines không được thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ với một bên thứ ba (đặc biệt là các đồng minh), không được đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc, và không được gây chú ý về vấn đề này qua các trả lời phỏng vấn trên truyền thông.

Cái tát với ASEAN

- Vậy theo ông, phản ứng cần thiết của Việt Nam và các nước ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái leo thang như vậy là gì?

Các quốc gia ĐNA cũng như trên thế giới nên tiến hành phản đối chính quyền Trung Quốc và yêu cầu họ thu hồi hộ chiếu mới.

Hành động của Trung Quốc đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC). Thay vì thể hiện sự kiềm chế, Trung Quốc ngày càng tiến hành các hành động mang tính khiêu khích. Việc đưa ra hộ chiếu mới, cùng với tuyên bố của chính quyền tỉnh Hải Nam về việc kiểm tra tàu thuyền qua lại trái phép ở vùng biển lịch sử ở Biển Đông là tín hiệu khác rằng Trung Quốc đang trở nên quyết đoán trong vấn đề xác quyết chủ quyền. Đây là cái tát trực tiếp vào mặt ASEAN sau khi thể hiện sự kiềm chế tại Hội nghị Thượng đỉnh mới diễn ra ở Phnom Penh.

- Xin cám ơn ông

Huỳnh Phan – Phương Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét