Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Phải cứng rắn để vô hiệu hóa lòng tham

09/12/2012- Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích hàng loạt động thái dồn dập của Trung Quốc (TQ) nhằm khẳng định chủ quyền phi lý của họ trên biển Đông.

Những động thái của TQ đã là câu trả lời rõ ràng, không còn nghi ngờ gì, chủ trương của TQ tiến ra biển, khống chế làm chủ biển Đông là không có gì thay đổi, mà còn tính toán bài bản, tinh vi hơn để tạo dư luận có lợi cho họ, tạo bẫy pháp lý để các nước mặc nhiên thừa nhận chủ quyền TQ.



Ông Trần Công Trục

TQ sẽ tiếp tục chủ trương biến 80% biển Đông thành “ao nhà” của họ, trước mắt là tìm cách biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng tranh chấp, hợp thức hóa yêu sách đường “lưỡi bò” phi lý. Do vậy không thể mơ hồ, hy vọng sự thay đổi- chí ít là thời gian trước mắt, về chủ trương của TQ.

- Liệu các động thái đó có ảnh hưởng đến đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) không, thưa ông?

- COC là văn kiện có tính pháp lý mạnh mẽ, đi vào những quy định cụ thể để xử lý các tranh chấp xảy ra trong các phạm vi biển và thềm lục địa theo yêu sách do các bên vận dụng các tiêu chuẩn của Công ước Luật Biển năm 1982 để vạch ra, tất nhiên sẽ động đến đường “lưỡi bò” - một yêu sách “hoang tưởng”, phi lý, bất chấp mọi tiêu chuẩn của Luật Biển 1982 - do TQ tự ý vẽ ra. Đường “lưỡi bò” nếu không bị cắt đi, thì COC khó lòng mà đạt được. Nói thiện chí thì ASEAN quá thiện chí rồi.

Thực tế, nếu theo Công ước Luật Biển 1982 của LHQ- liên quan đến các vùng biển chồng lấn- các nước có thể ngồi với nhau ngay lập tức, xác lập đường cơ sở ra sao, đưa yêu sách theo từng điểm một, nếu trong quá trình đàm phán, chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng thì  có thể áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” như đã từng có tiền lệ trong khu vực này. Chìa khóa vấn đề ngay trước mắt, nhưng TQ không cần. Họ cần một chìa khóa ảo do chính họ tạo ra mà không ai biết nó ra sao, mở thế nào.

- Dư luận cho rằng việc in đường “lưỡi bò” lên hộ chiếu là không có giá trị pháp lý. Ông nghĩ sao về việc ứng xử với TQ?

- Họ đưa ra biên giới “lưỡi bò” là một tính toán, không phải ngẫu nhiên, càng không phải của một bộ ngành nào, mà là chủ trương của họ về chiến lược. Hộ chiếu là một tài liệu pháp lý, rất phổ biến trên trường quốc tế, người TQ đi khắp thế giới, các nước khi xác nhận visa, đóng dấu vào đó nghĩa là mặc nhiên thừa nhận.

Nếu chúng ta không có phản ứng gì thì họ sẽ biến thành sự đã rồi, biến không thành có ngay. Cho nên, mặc dù bản đồ đường “lưỡi bò” trên hộ chiếu cũng được một số người xem là không có giá trị pháp lý, nhưng nếu làm ngơ, không có động thái quyết liệt vô hiệu hóa nó, thì TQ sẽ lợi dụng để nói rằng đã thừa nhận yêu sách của TQ. Điều đó sẽ rất bất lợi cho chúng ta.

Ta phải cứng rắn để vô hiệu hóa hành động của họ, nhưng cũng tạo điều kiện để người TQ qua lại làm ăn, vì đó là cuộc sống của nhân dân, của những người lao động chân chính... Nhưng nếu phía TQ không thay đổi thì buộc lòng ta phải có những động thái mạnh mẽ, cứng rắn hơn, với mục đích tối thượng là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ các quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của chúng ta trên các vùng biển và thềm lục địa.

- Ông nhắc tới cái bẫy pháp lý của TQ, vậy thì Việt Nam cần làm gì để tránh bẫy đó?

- Từ các sự việc trên, càng thấy  các hành động của TQ đang triển khai là không thể xem thường. Công hàm phản đối của Việt Nam trong các trường hợp gần đây là cần thiết và đúng mực, nhưng có lẽ không nên lúc nào cũng chỉ nói về nguyên tắc. Cần nghiên cứu để có một công hàm phản đối có tính pháp lý đầy đủ, kín kẽ nhất. Không thể chỉ nói hành động của TQ là vi phạm chủ quyền, mà phải nói rõ vi phạm thế nào, đến đâu. Khi ra các diễn đàn quốc tế, phản ứng của ta trong các trường hợp sẽ phải được cân nhắc kỹ càng, nhất là các căn cứ, nguyên tắc pháp lý, tư liệu lịch sử, địa lý...

Một công hàm kín kẽ sẽ là chìa khóa pháp lý an toàn cho Việt Nam, khẳng định Nhà nước Việt Nam không thừa nhận chủ quyền của TQ. Công hàm đó không nên chỉ gửi đến bên phản đối, mà còn cần được gửi trực tiếp đến LHQ và một số tổ chức có liên quan, để chứng tỏ rằng mình đã có thái độ rõ ràng. Cũng cần công bố- thậm chí nguyên văn công hàm đó- để dư luận biết một cách rõ ràng và định hướng trong hành xử với TQ.

- Thông tin đầy đủ sẽ có vai trò như thế nào, thưa ông?

- Nếu ta không công khai, sẽ dẫn tới dư luận bất lợi cho chính ta. Thông tin không đến với mọi người sẽ dẫn tới sự hiểu lầm. Từ xưa tới nay ta luôn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.  Gần đây, Nhà nước đã có những chủ trương về thu hút tập hợp các nghiên cứu về biển Đông. Cần có sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc, của các tầng lớp nhân dân. Tôi tin rằng, trước vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, với niềm tự hào của dân tộc thì không có gì khác nhau cả.


Theo ĐVO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét