Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Nhật Bản: Từ katana đến tàu sân bay

02/12/2012- Dù vũ khí đơn giản như một thanh kiếm hay loại khí tài tối tân như tàu sân bay, Nhật Bản đều thể hiện vị thế tiên phong.

Cuối tháng 11, tờ The New York Times đăng bài nhận định Tokyo đang dần mở rộng ảnh hưởng quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này khiến người ta không khỏi liên tưởng đến bóng dáng đế quốc Nhật từ cách đây một thế kỷ. Thực tế, dù có những thời điểm thăng trầm khác nhau, Nhật Bản suốt nhiều năm qua vẫn luôn là một cường quốc về công nghiệp vũ khí từ truyền thống đến hiện đại.

Quá khứ lẫy lừng

Thế chiến thứ 2, thời điểm mà các cường quốc đua nhau trưng bày những thứ vũ khí hiện đại nhất của thế giới lúc bấy giờ, những sĩ quan Nhật Bản vẫn kè kè thanh katana (kiếm Nhật) một cách đầy tự tin. Sự tự tin, đơn giản, vì katana là một biểu tượng cho tính tiên phong của vũ khí Nhật Bản. Theo chuyên gia Michael Morimoto của Đại học Colorado School of Mines (Mỹ), Nhật Bản từ nhiều thế kỷ trước đã đạt được đỉnh cao trong kỹ nghệ rèn kiếm. Lưỡi của những thanh katana không đơn giản được rèn từ một thanh kim loại rắn chắc mà nó là một cấu trúc bao gồm nhiều lớp khác nhau, từ lõi đến lớp ngoài cùng. Mỗi lớp lại được rèn từ một hoặc nhiều loại vật liệu như: thép lá, sắt thô, sắt non... Nhờ đó, katana trở thành thứ vũ khí vừa sắc bén lại vừa có độ bền cực cao khiến nhiều nước phương Tây, hồi đầu thế kỷ 20, dù phát triển mạnh trong ngành luyện kim vẫn phải nghiêng mình kính phục.


Chiến đấu cơ Misubishi F-2 - Ảnh: US Air Force

Thế nhưng, dù katana có sắc bén đến đâu thì vẫn chưa đủ để Nhật Bản khẳng định vai trò cường quốc từ thời thế chiến thứ 1. Lúc bấy giờ, Nhật Bản sở hữu sức mạnh quân sự kinh ngạc nhờ vào những khí tài tối tân bậc nhất, đặc biệt là hải quân. Đầu thập niên 1910, cả Mỹ lẫn Anh đều ra sức thử nghiệm việc cất cánh máy bay trên boong tàu thủy, nền tảng cơ bản để phát triển hàng không mẫu hạm. Theo chuyên trang quốc phòng Global Security, lần lượt trong năm 1911 và 1912, Washington và London đạt thành công trong thử nghiệm trên. Thế nhưng, thật bất ngờ, Tokyo lại chính thức ra mắt tàu sân bay đầu tiên bằng cách biến đổi đầy sáng tạo để một chiếc tàu vận tải thành hàng không mẫu hạm Wakamiya hồi năm 1914.

Không hiện đại như các hàng không mẫu hạm sau đó, chiếc Wakamiya đơn giản là một tàu vận tải mang theo 4 chiếc thủy phi cơ Farman MF.11, được trang bị súng máy và bom. Khi cần tác chiến, các thủy phi cơ này được đưa ra khỏi tàu Wakamiya rồi xuất kích. Nghe chừng rất đơn giản nhưng chưa nước nào lúc bấy giờ thực sự sở hữu một “hàng không mẫu hạm” như thế. Nhờ vào chiếc Wakamiya, hải quân Nhật Bản tấn công áp đảo lực lượng Đức tại vùng Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trong thế chiến thứ 1. Từ nền tảng này, Nhật Bản chẳng bao lâu sau chính thức sở hữu hàng không mẫu hạm đích thực. Đến thế chiến thứ 2, Tokyo đã đủ sức rầm rộ huy động tàu sân bay trên biển để quyết tử với Washington, điển hình là trận hải chiến Coral. Theo cuốn Trận chiến biển San Hô (The Battle of the Coral sea) của Chris Henry do Naval Institute Press (Maryland, Mỹ) phát hành năm 2003, trận đánh trên diễn ra chỉ từ ngày 4 - 8.5.1942. Trong trận hải chiến Coral, Nhật Bản đã điều đến 3 hàng không mẫu hạm là Shokaku, Zuikaku và Shoho bên cạnh 9 tàu tuần dương, 15 tàu khu trục, nhiều tàu hỗ trợ cùng 127 máy bay đủ loại. Lực lượng này đủ để thể hiện sức mạnh quân sự kinh hoàng của Nhật Bản lúc bấy giờ vốn đang làm mưa làm gió trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, kết thúc thế chiến thứ 2 trong vị thế bại trận, Nhật Bản trở nên lặng tiếng hơn trong lĩnh vực quốc phòng.

Lặng lẽ phát triển

Hơn 60 năm sau khi kết thúc thế chiến 2, châu Á - Thái Bình Dương trở nên ồn ào với việc Trung Quốc sắp thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên, điều mà Nhật Bản trải qua từ gần 1 thế kỷ trước. Giới quan sát quốc phòng đều hướng mắt về Bắc Kinh, dư luận chẳng mấy ai quan tâm đến quốc phòng Nhật Bản. Thế nhưng, với nền tảng sẵn có, Tokyo lại đang đạt được nhiều thành tựu về công nghệ quốc phòng dù rất thầm lặng. Đến cuối năm ngoái, Tokyo quyết định dỡ bỏ các quy định tự hạn chế việc xuất khẩu vũ khí. Giờ đây, Nhật Bản có thể đường bệ quay lại vị thế “đại gia công nghiệp quốc phòng” với hàng loạt loại vũ khí tối tân về cả hải, lục lẫn không quân.

Gần đây, website Bộ Quốc phòng Nhật đăng tải thông cáo giới thiệu loại xe tăng hạng nặng Type-10. Nặng khoảng 44 tấn và đạt tốc độ tối đa 70 km/giờ cùng nòng pháo 120 mm, loại Type-10 được xếp ngang hàng với những xe tăng tối tân nhất của Mỹ, Nga. Trước đó, xe tăng Type-90 của Tokyo cũng được đánh giá là rất hiện đại.

Về không quân, tạp chí Aviation Week hồi tháng 10 đưa tin Nhật Bản đang cấp tập hoàn thành dự án ATD-X để giới thiệu chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-3 vào năm 2016 hoặc 2017. Loại chiến đấu cơ này được dự báo sẽ hiện đại ngang ngửa F-22 và F-25 mà Mỹ đang sản xuất. Thậm chí, Tokyo có thể sẽ trở thành đối tác chính hoặc sẽ cùng lúc xúc tiến chiến đấu cơ thế hệ 6 với Mỹ. Ngoài ra, tạp chí Jane’s Defense Weekly hồi tháng 10 dẫn nguồn tin quân sự cho hay Tokyo đang đàm phán với Washington để Nhật Bản sở hữu bản quyền sản xuất F-35. Dự kiến, từ năm tài chính 2013, Tokyo sẽ bắt đầu sản xuất loại chiến đấu cơ này. Nếu như thế, thông qua hợp tác cùng tập đoàn vũ khí Lockheed Martin thì các công ty Nhật có thể nhanh chóng tăng cường công nghệ để đẩy mạnh chương trình sản xuất chiến đấu cơ thế hệ 5. Thời gian qua, cũng thông qua hợp tác với Lockheed Martin, Nhật Bản đã tự sản xuất chiến đấu cơ đa nhiệm Misubishi F-2 tương tự loại F-16. Không quá ồn ào nhưng Misubishi F-2 thực tế lại nằm trong nhóm chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới.


Một tàu sân bay trực thăng Nhật Bản - Ảnh: US Navy

Đặc biệt, dù chẳng phô trương nhưng Nhật Bản cũng đạt được kết quả ấn tượng trong việc phát triển tàu sân bay một cách đầy khéo léo. Ngày 27.1, Tập đoàn Công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima (IHI) của nước này chính thức phát thông cáo công bố việc hạ thủy tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH. Mặc dù có độ choán nước chỉ 19.000 tấn và mang danh tàu sân bay trực thăng, chiếc 22DDH lại dài đến 248 m và có thể được dùng để triển khai các loại chiến đấu cơ chỉ cần khoảng cách ngắn để cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Với kinh nghiệm vận hành tàu sân bay từ gần 100 năm trước, Nhật Bản sẽ chẳng mất nhiều thời gian để có thể triển khai tác chiến toàn diện đối với một hàng không mẫu hạm. Dự kiến, đến năm 2017, Tokyo sẽ sở hữu 2 chiếc loại này. Ngoài ra, trong năm nay, giới truyền thông quốc tế không ngừng đưa tin về việc Nhật Bản liên tục hạ thủy tàu khu trục lớp Akizuki. Loại chiến hạm này không chỉ có hỏa lực mạnh mà còn sở hữu hệ thống điện tử tối tân ngang ngửa tàu khu trục lớp Zumwalt, được mệnh danh là “siêu hạm” mà Mỹ đang phát triển.

Với những thành tựu trên, Nhật Bản thừa sức khẳng định vị thế siêu cường quân sự.

Ngô Minh Trí/ Thanh Niên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét