Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Lãnh đạo Quốc hội Mỹ: “Phải chặn đứng âm mưu chiếm đoạt Biển Đông”

(Infonet) Nếu thế giới không lên tiếng phản đối mạnh mẽ và tìm cách ngăn chặn những tuyên bố đầy mập mờ và nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông thì hòa bình và ổn định trong khu vực khó có thể được bảo đảm, Dana Rohrabacher, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ tuyên bố.

Ông Dana Rohrabacher , Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ
Ông Dana Rohrabacher , Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ

Trong một cuộc điều trần trước Tiểu ban Đối ngoại về những đe dọa của các tuyên bố hàng hải do Trung Quốc đưa ra có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực và an ninh hàng hải, Chủ tịch Rohrabacher khẳng định, những hành động này của Bắc Kinh là có chủ ý, đã được chuẩn bị từ lâu nhằm mục đích mở rộng sự kiểm soát đối với những vùng biển ở Đông Á và Đông Nam Á thông qua các “chiêu bài” khiêu khích, thách thức và cuối cùng là thống trị khu vực.

Chính sách “Trục châu Á” sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu Mỹ không xóa bỏ được những mối đe dọa ở khu vực này, ông Chủ tịch tiểu ban nói.

Richard Fisher, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế, cũng cho rằng việc sử dụng sức mạnh và áp lực bằng quân sự trong việc theo đuổi yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đang gia tăng nguy cơ dẫn đến các cuộc đụng độ quân sự, đặc biệt là với Nhật Bản và Philippines.

Sự tăng cường quân sự của Bắc Kinh và hành vi đe dọa các đồng minh của Mỹ là nhằm thách thức khả năng của Washington trong việc bảo vệ những lợi ích của mình và do đó làm giảm độ tin cậy của các cam kết liên minh của Mỹ trong khu vực, vị chuyên gia này nói.

Trong thời gian qua, Nhật Bản đã liên tục kiềm chế để không sử dụng bạo lực với các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc nhăm nhe giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, nhưng khả năng của một biến cố quân sự ngày càng tăng, ông nói.

Các lực lượng của Philippines cũng đang bị Trung Quốc đánh bật khỏi những vùng biển truyền thống và thậm chí là bị ép phải từ bỏ cả những vùng biển nằm trong hoặc gần vùng đặc quyền kinh tế của mình (EEZ).


Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Steven Mosher, một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực nhân khẩu học ở châu Á cho rằng, Bắc Kinh đang áp dụng biện pháp cai trị bằng sức mạnh đối với người dân của họ vào việc đối xử với các nước láng giềng nhỏ và yếu của họ.

Điều này phần nào lý giải cho thái độ rất ngạo mạn và xem nhẹ các bên có liên quan trong tranh chấp Biển Đông, bao gồm cả Việt Nam và Philippines, đặc biệt là trong quá trình Trung Quốc đang nhắm đến mưu đồ thôn tính các quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Mosher cho biết.

Đến nay, chỉ duy nhất có sự hiện diện liên tục của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản dựa trên sự bảo lãnh của Hạm đội 7 của Mỹ là còn giữ được thế ngang ngửa với Trung Quốc. “Nếu không Hạm đội 7, rất có thể Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm các đảo còn lại trong Biển Đông và Biển Tây Philippines” ông Steven Mosher nói.

http://infonet.vn/The-gioi/Lanh-dao-Quoc-hoi-My-Phai-chan-dung-am-muu-chiem-doat-Bien-Dong/118428.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét