Cùng với lực lượng tàu chiến mặt nước, lực lượng tác chiến dưới nước đã và đang được hình thành để xây dựng và hoàn thiện khả năng tác chiến của Hải quân Việt Nam.
Tiến dần ra biển lớn
Vào năm 2009, Đảng và Nhà nước đã quyết định đầu tư cho 2 lực lượng quốc phòng quan trọng là Không quân và Hải quân được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại hóa. Sau cam kết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất nhiều hợp đồng vũ khí “khủng” đã được ký kết.
Đầu tiên là hợp đồng mua 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9. Đây là loại tàu chiến hiện đại có khả năng tàng hình. So với các tàu chiến trước đó trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam Gepard 3.9 là một "đỉnh cao công nghệ".
Sự có mặt của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 sẽ đưa Hải quân Việt Nam tiến dần ra biển lớn, trong ảnh, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển.
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 được đánh giá là một trong những tàu chiến hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Tàu được chế tạo theo công nghệ rất hiện đại, thân tàu được làm bằng thép hợp kim được chia thành 10 khoang kín nước, thiết kế này cho phép tàu vẫn nỗi khi 2 khoang bị thủng. Cấu trúc thượng tầng của tàu được làm bằng hợp kim nhôm với magie.
Gepard 3.9 được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra chống tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và các mục tiêu đường không tầm thấp. Tàu được trang bị hệ thống điện tử hiện đại với khả năng đối phó hiệu quả với nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Tàu được trang bị hệ thống vũ khí rất uy lực với 8 tên lửa chống hạm hiện đại Kh-35Uran E tầm bắn 130 km, pháo hạm AK-176M tầm bắn 15 km, 2 pháo bắn siêu nhanh AK-630M, hệ thống phòng không tầm thấp Palma. Palma là hệ thống phòng thủ phòng không tầm thấp độc đáo và không có thiết kế tương tự ở Đông Nam Á.
Hệ thống phòng thủ tầm cực gần của Gepard, gồm pháo bắn siêu nhanh AO18KD và giá phóng tên lửa Sosna-R.
Palma bao gồm 2 pháo bắn siêu nhanh AO-18KD cùng 8 tên lửa đối không tầm thấp dẫn đường bằng laser Sosna-R. Đuôi tàu có sàn đáp cho một trực thăng chống ngầm Ka-27 hoặc Ka-31.
Ngoài hệ thống vũ khí uy lực, điểm mạnh của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 là có khả năng tác chiến xa bờ, một kỹ năng mà trước đó Hải quân Việt Nam còn rất hạn chế.
Hai chiếc tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mang tên hai vị vua nổi tiếng Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đã được đưa vào sử dụng trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, 2 chiếc khác đang được đóng mới tại Nga và đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Sự có mặt của biên đội tàu hộ vệ tên lửa Gepard sẽ giúp Hải quân nhân dân Việt Nam tiến dần ra biển lớn.
Tiến tới lực lượng tàu ngầm mạnh nhất Đông Nam Á
Trong tác chiến Hải quân, tác chiến tàu ngầm và chống chiến tranh tàu ngầm là một lĩnh vực vô cùng quan trọng.
6 tàu ngầm Kilo 636MV không chỉ lấp đầy khoảng trống về tác chiến tàu ngầm mà còn đưa Hải quân Việt Nam thành lực lượng có hạm đội tàu ngầm mạnh hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Chiến lược tàu ngầm của Đức trong chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự của nó. Tác chiến tàu ngầm là lĩnh vực mà Hải quân Việt Nam gần như không có trong suốt lịch sử hình thành và phát triển cho đến nay.
Nhận thấy đây là một khoảng trống rất lớn cần được lấp đầy, trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga vào năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký kết hợp đồng mua 6 tàu ngầm điện-diesel lớp Kilo thuộc Project 636MV.
Được Hải quân Mỹ đặt cho biệt danh “Black Hole” (Hố đen) bởi khả năng hoạt động yên tĩnh của nó, Kilo là một trong những “sát thủ dưới nước” đáng sợ nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt, biến thể Kilo Project 636MV xuất khẩu cho Việt Nam là biến thể mạnh nhất trong gia đình Kilo.
Tàu được nâng cấp mọi mặt về hệ thống điện tử và vũ khí, một trong những cải tiến quan trọng của Kilo 636MV là tối ưu hóa khả năng tàng hình, phạm vi hoạt động chiến đấu được mở rộng kỹ năng tác chiến đa dạng hơn, chống ngầm, chống tàu chiến mặt nước và tấn công các mục tiêu mặt đất.
Kilo 636MV được vũ trang với 6 máy phóng ngư lôi 533mm, loại máy phóng này có khả năng phóng tên lửa hành trình chống tàu 3M-54Klub-S với tầm bắn 220 km. Kilo 636MV với độ ồn khi hoạt động thấp, thiết kế tiên tiến, khả năng tự động hóa cao cung cấp độ tin cậy khi hoạt động cao và yêu cầu bảo trì tương đối dễ dàng.
Với 6 tàu ngầm Kilo 636MV, Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ hình thành hạm đội tàu ngầm mạnh hàng đầu Đông Nam Á. Quan trọng hơn cả, sự có mặt của tàu ngầm Kilo sẽ hoàn thiện và lấp đầy khoảng trống về tác chiến tàu ngầm mà bấy lâu nay Hải quân Việt Nam còn thiếu.
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét